Doanh nghiệp Nhật Bản nói gì sau những thay đổi về chính sách tiền tệ?
Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đang chuẩn bị ứng phó với tác động về tiền tệ và lãi suất, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài hàng thập kỷ.
Ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định cùng các đối tác khác trên toàn cầu tăng lãi suất và đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ. Đã 1 tuần trôi qua kể từ sự kiện đó, giá trị đồng yên vẫn ở mức thấp và chưa tăng như theo quy luật kinh tế thông thường.
Ông Satoaki Kanoh, chủ tịch hãng sản xuất nhựa Shinshi Co, lo lắng về chi phí vay cao hơn. Công ty của ông muốn thay thế máy móc cũ ở hai nhà xưởng của mình, nên cần vay tiền từ ngân hàng.
Ông nói với Reuters: “Nếu như chúng tôi phải thay 1 hệ thống máy mới mỗi năm, chúng tôi buộc phải vay tiền. Tất nhiên khi lãi suất cao hơn, chúng tôi phải trả số tiền lớn hơn. Dự đoán con số sẽ cao hơn khá nhiều so với thời gian lãi suất âm trước đây. Điều này khiến tôi lo ngại.”
Anh Haruka Yoda, một kỹ sư công nghệ thông tin 29 tuổi, lại ít quan tâm hơn. Mặc dù hiện nay căn nhà vợ chồng và đứa con 1 tháng tuổi của anh đang sinh sống, là vay ngân hàng để mua, nhưng lãi suất tăng có thể mang lại các lợi ích khác.
Có 1 chút lo ngại khi tôi nghe về việc chấm dứt lãi suất âm. Nhưng rồi suy nghĩ lại thì cũng không phải thông tin xấu. Lãi suất tăng thì tiền lương cũng tăng, do vậy chúng tôi không thiệt hại nhiều.
Anh Haruka Yoda, một kỹ sư công nghệ thông tin 29 tuổi
Một số chủ doanh nghiệp, như ông Yasunobu Tashiro, người điều hành một cửa hàng và nhà hàng ở một thị trấn nghỉ dưỡng có suối nước nóng, hy vọng sự thay đổi chính sách sẽ củng cố giá trị đồng yên.
Ông nói: “Chúng tôi phải xuất nhập khẩu nhiều. Đồng yên yếu, khiến việc nhập khẩu gặp không ít khó khăn. Có thời gian chúng tôi phải trả tới 1,5 triệu yên cho những thứ bình thường chỉ tốn 1 triệu yên. Nếu tăng lãi suất, giá trị đồng yên sẽ không bị giảm nữa, và trở về với giá trị thực như trước kia. Tôi nghĩ điều đó rất tốt cho việc đi ra nước ngoài và nhập khẩu hàng hóa.”
Theo một số chuyên gia, đồng yên bị giảm giá trị do chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và các quốc gia khác như Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bất chấp động thái của Ngân hàng Trung ương, đồng yên vẫn suy yếu, vượt mức 150 đổi 1 USD, do có quan điểm cho rằng, tốc độ tăng lãi suất của Nhật Bản sẽ chậm, trong khi việc giảm lãi suất của Mỹ có thể bị trì hoãn lâu hơn kỳ vọng.