Chuyện làm ăn

Để doanh nghiệp không “bán mình”

Minh Hào 26/03/2024 - 15:24

Mua bán - sáp nhập (M&A) vẫn sôi động, một phần do nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều DN buộc phải tái cấu trúc, kêu gọi đầu tư từ nước ngoài do sức ép về tài chính.

202307250505091.jpg

Sôi động thị trường M&A

Thị trường M&A vài năm gần đây khá sôi động. Theo KPMG Việt Nam -một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2023 có hơn 260 thương vụ M&A với tổng giá trị giao dịch 4,4 tỷ USD. Trong số các thương vụ này, có đến 80% giá trị giao dịch từ ngành y tế, tài chính và bất động sản. Còn theo số liệu thống kê của Viện Mua bán - Sáp nhập và Liên minh (IMAA), từ năm 1996 đến 2022, có khoảng 6.550 thương vụ M&A tại Việt Nam.

Vài ba năm gần đây, các thương vụ M&A từ nhà đầu tư ngoại diễn ra trên nhiều các lĩnh vực, từ thị trường vật liệu xây dựng cho đến ngân hàng, bảo hiểm... Trong đó, rất nhiều thương vụ, DN nội đã chấp nhận “bán mình”. Dù vậy, thị trường M&A được nhận định là sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Các nhà đầu tư đang nhắm tới DN có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài trong các ngành nông nghiệp và thực phẩm. Nhà đầu tư cũng muốn chốt thương vụ trong các lĩnh vực có thể tận dụng được mức định giá rẻ như bất động sản, xây dựng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường sôi động một phần do nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều DN buộc phải tái cấu trúc, kêu gọi đầu tư từ DN nước ngoài do sức ép về tài chính. Nhiều công ty đang có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần, bán tài sản công ty để cơ cấu các khoản nợ đến hạn. Bởi việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần, tài sản sẽ giúp DN tái cấu trúc kinh doanh, cắt giảm những lĩnh vực kém hiệu quả, trả các khoản nợ ngắn hạn, trả lương nhân viên, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh. Phần khác, do lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển dịch dòng tiền sang Việt Nam.

Đã nhiều năm làm trong lĩnh vực tư vấn M&A, LS. Đào Tiến Phong - đại diện Công ty Tư vấn InvestPush cho biết, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn. InvestPush đang làm việc với ba quỹ đầu tư của Singapore, Mỹ, Trung Quốc. Cuối năm ngoái, InvestPush tham gia đàm phán 5 thương vụ M&A. Các nhà đầu tư nước ngoài rất thích những DN Việt Nam có sẵn đơn hàng đi châu Âu, Mỹ. Họ sẽ tìm cách thâu tóm những công ty này và sau đó sẽ thay đổi ngành hàng theo mục tiêu đầu tư.

Để không “bán mình”

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để DN không phải “bán mình”, trước tiên, Chính phủ cần có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà nước cần giúp DN vừa và nhỏ có thể “lớn lên” để có vị thế tốt hơn trong tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn. Bởi, nếu DN cứ mãi nhỏ, quá thiếu và yếu về các mặt, không có vị thế sẽ không thể tìm kiếm được các nhà đầu tư. Trong khi đó, hiện nay các nhà đầu tư thường chọn DN có năng lực đáp ứng được yêu cầu của họ mới tham gia góp vốn. “Đây là cái khó mà chính sách vĩ mô cần tháo gỡ để DN tư nhân phát triển vững chắc hơn”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Năm 2023, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec Intenational, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. Đến nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia với doanh số tại thị trường nước ngoài cán mốc 1 tỷ USD.

Bên cạnh chính sách, việc trang bị sức mạnh nội tại là điều rất quan trọng để DN có thể “giữ mình”. Bà Huỳnh Bình Minh - Giám đốc Quỹ Đầu tư TAEL Partners tại Việt Nam cho rằng, cần tận dụng tốt các nguồn lực trong nước như nguồn vốn ngân hàng, chiêu mộ những du học sinh tiếp cận được kiến thức và văn hoá làm việc tại các công ty nước ngoài… Khi có kế hoạch gọi vốn, DN phải trả lời hai vấn đề là gọi vốn để làm gì và hệ quả từ sự tham gia của nguồn vốn đó như thế nào. DN cần chủ động đánh giá thế mạnh của công ty và trên nền tảng này xây dựng chiến lược quản trị kinh doanh có khả năng thu hút nguồn vốn, tái cấu trúc hoạt động, chiến lược kinh doanh, định hướng thị trường, xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, phải định vị lại hệ sinh thái của DN trong bối cảnh biến động thị trường nội địa và toàn cầu.

Một trong những điểm yếu của DN Việt là khâu đàm phán và đàm phán pháp lý trong các thương vụ M&A. DN hầu như không có chuyên gia đàm phán nên yếu thế trong khâu thương lượng, và cũng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về M&A nên rơi vào thế bị động. Trong khi bên mua thường đưa ra yêu cầu và đặt ra các vấn đề pháp lý khiến DN Việt thua thiệt. Đơn cử là trường hợp của một DN Việt trong lĩnh vực may mặc mới đây đã bán cho nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) với giá 18 triệu USD nhưng đã bị “ép giá” xuống cón 16 triệu USD.

“Để tránh thất thế trong M&A, DN nên cổ phần hóa công ty trước khi tiến hành giao dịch với đối tác. Điều này giúp DN thuận tiện về mặt pháp lý và tránh rủi ro về thuế khi M&A. Đặc biệt, DN nên chú ý đến chiến lược “chống pha loãng” để tránh bị thâu tóm toàn công ty nếu chỉ định bán một phần”, LS. Đào Tiến Phong tư vấn.

Minh Hào