Tín chỉ carbon: Doanh nghiệp bắt đầu từ đâu?
Dự kiến Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện mỗi năm. Nhu cầu về trao đổi và mua bán tín chỉ này đang ngày càng tăng. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 thí điểm vận hành thị trường trao đổi tín chỉ carbon và vận hành chính ức từ năm 2028. Ngay bây giờ, doanh nghiệp nên nắm bắt lộ trình ấy để đi cùng nhịp với thị trường trong nước và quốc tế.
Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon là động lực phát triển, đổi mới công nghệ, phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Doanh nghiệp, tổ chức và quốc gia tham gia vào thị trường carbon nhận được lợi ích hai chiều: Giảm lượng khí nhà kính, góp phần phát triển bền vững, đồng thời được công nhận bằng tín chỉ carbon. Doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc bán tín chỉ carbon và xây dựng hình ảnh thương hiệu đối với người tiêu dùng. Việc tiếp cận nguồn tài chính xanh để hiện thực hóa thị trường carbon là cơ hội mà các bên cần nắm bắt.
Theo ông Mã Thanh Danh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế (CIB), doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bước vào sân chơi quốc tế - một sân chơi không có quyền đứng ngoài. “Kinh tế tuần hoàn là xu hướng, là tất yếu. Hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện”, ông Danh khẳng định.
Theo ông Thái Trần - CEO Hanam Group, “cuộc chơi” tín chỉ carbon phải là cuộc chơi cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), chứ không chỉ dành cho những “người khổng lồ”. Để làm được điều đó, đòi hỏi Chính phủ phải có chính sách công bằng, chia sẻ cơ hội đồng đều cho những đơn vị đạt được những tiêu chuẩn chung.
Theo quan điểm của ông Mã Thanh Danh, đối với doanh nghiệp SMEs không đủ nguồn lực thì nên bắt đầu từ người lãnh đạo. Chủ doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm, dù doanh nghiệp nhỏ nhưng phải nghĩ đến việc bảo vệ môi trường, nghĩ về trách nhiệm xã hội thông qua xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được đánh giá là có tiềm năng nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề và thách thức. Việt Nam cần đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt”, từ đó mới có thể tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường này.
Trước đây cần bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng sản phẩm (ISO), nhưng trong một sân chơi hướng về nền kinh tế Zero carbon, doanh nghiệp phải tham gia vào vòng tròn khép kín của kinh tế tuần hoàn. Giờ đây doanh nghiệp càng cần quan tâm đến đầu vào, lựa chọn đối tác, bạn hàng, nhất là dựa trên yếu tố phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng phải hòa mình vào trách nhiệm chung thông qua thực hành ESG (bộ ba tiêu chuẩn, gồm: môi trường, xã hội, quản trị) - một trong nhiều yếu tố then chốt để tạo ra và bán được tín chỉ carbon cùng với việc phải có báo cáo phát thải cũng như giảm phát thải.
Ông Trần Nguyễn Trọng Nguyên - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Thương mại Kenzen cho rằng: “Ngoài những lợi ích kinh tế, ESG giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, giảm rủi ro mà môi trường, xã hội, quản trị gây ra. Thúc đẩy thực hiện ESG là nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa phát thải khí nhà kính bằng 0”.
Bà Trịnh Thị Vân Anh - Quản lý phát triển bền vững ngành hàng may mặc Decathlon Việt Nam chia sẻ, tín chỉ carbon là thị trường nhiều tiềm năng nhưng mới mẻ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm và tiếp cận nguồn thông tin chính thống để biết mình phải bắt đầu từ đâu, có nên đầu tư chi phí và công sức cho thị trường carbon hay không. Do đó cần lắm những hướng dẫn, quy định và hành lang pháp lý từ các cơ quan nhà nước.
Ông Hồ Mạnh Dũng - thành viên Tập đoàn Sao Mai chia sẻ, quá trình từ khi tiếp cận đến khi bán được tín chỉ carbon là khá vất đối với doanh nghiệp. Bên cạnh việc đáp ứng bộ tiêu chí khắt khe còn là việc chuẩn bị thủ tục kéo dài, chi phí bỏ ra không nhỏ. “Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về tín chỉ carbon, là điểm tựa vững chắc để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu chung” - ông Dũng nói thêm.