Ô tô

Xe điện: “Cuộc chơi” có thoái trào?

Hải Hồ 26/03/2024 07:58

Nhiều báo cáo cho thấy, sau thời kỳ bùng nổ, ngành kinh doanh xe điện đang khiến nhiều nhà sản xuất khốn đốn. Khi nhu cầu xe điện giảm dần, ngày càng nhiều người chọn mua xe hybrid - dòng xe lai sử dụng kết hợp giữa động cơ điện và động cơ xăng.

Xe điện thoái trào

Công ty khởi nghiệp xe điện Fisker thành lập vào năm 2007 tại Mỹ, gần đây đã cân nhắc đến khả năng làm thủ tục phá sản, khi đứng trước nguy cơ không đủ tiền hoạt động trong năm tới.

675567.jpg

Bên kia Thái Bình Dương, hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc là WM Motors Ltd., sau giai đoạn khó khăn đã nộp đơn xin phá sản, trở thành “nạn nhân” mới nhất trong thị trường xe điện đầy cạnh tranh. Chỉ mới cách đây vài năm, WM Motor còn được coi là một trong những công ty khởi nghiệp xe điện triển vọng nhất, thiết lập kỷ lục giao hàng và xem xét việc niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư đầu tiên vào WM Motor là những tập đoàn công nghệ lớn như Baidu Inc., Tencent Holdings Ltd.

Nhiều báo cáo cho thấy sau thời kỳ bùng nổ, ngành kinh doanh xe điện đang khiến nhiều nhà sản xuất tại các quốc gia khốn đốn. Ngay cả hãng xe điện hàng đầu thế giới là Tesla, sau năm 2023 đầy triển vọng, hiện giá cổ phiếu giảm gần 23% kể từ đầu năm 2024 đến nay. Hãng Apple - nhà sản xuất iPhone, trong nhiều năm qua đã âm thầm theo đuổi chương trình phát triển xe điện có tên gọi Project Titan, nhưng giờ đây cho biết sẽ từ bỏ nỗ lực phát triển mẫu xe điện có thể cạnh tranh với Tesla.

Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng doanh số xe điện, cả từ hãng xe mới nổi lẫn các hãng xe lâu đời đang chậm lại, do người tiêu dùng quay lưng bởi mức giá cao hơn xe chạy xăng và tình trạng thiếu trạm sạc pin.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch tạo ra chuỗi cung ứng hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện, bao gồm việc thúc đẩy ba hãng xe hơi quốc doanh chi nhiều tiền hơn vào nghiên cứu và phát triển, khuyến khích người tiêu dùng thay thế phương tiện cũ bằng xe điện mới, giải quyết tình trạng thiếu cơ sở sạc pin và khu vực đậu xe, giảm bớt gánh nặng bảo hiểm cho người tiêu dùng mua xe năng lượng mới.

Sự “lên ngôi” của dòng hybrid

So với cách đây vài năm, tình hình hiện tại đã thay đổi đột ngột. Thị trường xe điện lớn nhất thế giới là Trung Quốc chỉ còn khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất các mẫu xe điện hoàn toàn và xe kết hợp sạc điện, giảm từ khoảng 500 nhà sản xuất đã được đăng ký vào năm 2019. Thị trường đã bị cuốn vào cuộc chiến giá cả khốc liệt, làm giảm lợi nhuận của các hãng sản xuất ô tô và khiến nhiều công ty điêu đứng.

Trong hơn một thập niên qua, xu hướng chuyển từ động cơ đốt trong (ICE) lên thẳng xe điện ngỡ rằng là con đường duy nhất. Thế nhưng, quá trình chuyển đổi thần tốc trong khoảng 5 năm qua đang giảm nhịp độ, bởi chính sách khuyến khích sử dụng xe điện tại các quốc gia chưa đủ mạnh, hạ tầng cho xe điện chưa đủ lớn, thói quen sử dụng xe điện chưa như kỳ vọng, chưa nói đến mức giá cao hơn xe chạy xăng, sức ép doanh thu từ các cơ sở bảo dưỡng do xe điện không có quá nhiều chi tiết để phải bảo dưỡng hay sửa chữa.

Khi nhu cầu xe điện giảm dần, ngày càng nhiều người chọn mua xe hybrid - dòng xe lai sử dụng kết hợp giữa động cơ điện và động cơ xăng. Theo Cox Automotive, người Mỹ đã mua 1,2 triệu xe điện vào năm ngoái, tăng khoảng 46% và chiếm 7,6% tổng doanh số bán ô tô mới. Nhưng doanh số bán xe hybrid thậm chí còn tăng nhanh hơn, nâng thị phần lên 8% từ 5,5%.

Hệ quả là dường như tất cả các hãng xe đang phải cân nhắc lại chiến lược phát triển xe điện, phải nghiêm túc nhìn nhận về một giải pháp trung gian và xe Hybrid chính là cách kinh doanh tốt nhất.

Mấy năm qua, Toyota bị xem là kẻ tụt hậu về xe điện, giờ đang giành lại ngôi vương khi là hãng tiên phong tạo ra trào lưu xe hybrid vào đầu những năm 2000. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Toyota hiện đứng đầu danh sách các thương hiệu được người mua xe điện cân nhắc nhiều nhất, đánh bại cả Tesla và Ford. Trong đó, Toyota Prius - mẫu ô tô hybrid ra đời từ năm 1997, lại đang trở thành chiếc xe của năm 2024.

Xe lai (hybrid) được cho là khả thi vì có thể giải quyết được những vấn đề căn cơ, như tận dụng được dây chuyền sản xuất và bảo dưỡng xe ICE trước khi chuyển đổi dần sang xe điện mà vẫn giảm được phát thải, có thời gian để tạo thói quen sử dụng mẫu xe điện hóa cho khách hàng, xe hybrid không cần trạm sạc nên quá trình này sẽ là thời điểm để các quốc gia nâng cao khả năng đáp ứng về mặt hạ tầng.

Xe lai đang được nhiều hãng xe chọn làm mục tiêu phát triển, vừa để đảm bảo hài hòa cả về lợi ích lẫn môi trường. Ngoài các thương hiệu ô tô Nhật Bản, hiện các hãng xe Mỹ hay Đức đều đã có kế hoạch phát triển xe hybrid song song với phát triển xe điện. Đơn cử như General Motors gần đây đã quay trở lại với kế hoạch xe hybrid, còn hãng Ford Motor, Mercedes-Benz, Volkswagen, Jaguar Land Rover, Aston Martin lại đang thu hẹp quy mô hoặc trì hoãn kế hoạch sản xuất xe điện.

Mọi người dần chấp nhận thực tế rằng tương lai xe điện vẫn tồn tại, nhưng sẽ không phát triển mạnh như dự báo trước đây bởi chi phí sản xuất gây áp lực trong việc tạo ra lợi nhuận, chi phí nguyên liệu tăng cao cản trở giảm giá thành. Do đó các hãng xe bắt đầu tăng sản xuất xe hybrid thay vì trông chờ và đặt cược tất cả vào xe điện.

Mấy năm qua, Toyota bị xem là kẻ tụt hậu về xe điện, giờ đang giành lại ngôi vương khi là hãng tiên phong tạo ra trào lưu xe hybrid vào đầu những năm 2000. Một nghiên cứu gần đây cho thấy Toyota đang đứng đầu danh sách các thương hiệu được người mua xe điện cân nhắc nhiều nhất - đánh bại cả Tesla và Ford. Trong đó, Toyota Prius - mẫu ôtô hybrid ra đời từ năm 1997, lại đang trở thành chiếc xe của năm 2024.

Hải Hồ