Văn hóa - Giải trí - Du lịch

‘Vùng Lụa’ thay đổi nhận thức trong tranh trừu tượng của nhà thơ Bùi Chát

Châu Quang Phước 24/03/2024 16:22

“Vùng Lụa”, triển lãm tranh cá nhân lần thứ 6 của nhà thơ Bùi Chát, tiếp tục gây ngỡ ngàng với giới quan sát chuyên ngành về điểm nhìn trừu tượng.

Trình hiện về tranh vẽ của mình trong cuộc triển lãm tranh cá nhân một cách chính thức chính danh ở lần đầu tiên vào giữa năm 2022, nhà thơ Bùi Chát gây ngạc nhiên xuyên suốt cho họa giới tại xứ trong miên man những lần triển lãm tiếp nối, cho đến triển lãm “Vùng Lụa” mới này.

vung-lua-so-17-son-dau-tren-canvas-kich-thuoc-150x195cm-.jpg

Bởi lẽ, kể từ lần đầu tiên “chào sân” cho đến thời điểm hiện tại, Bùi Chát vẫn trung thành với lối vẽ trừu tượng (Abstract) mà nhà thơ này tự diễn đạt là “hội họa tình huống”, chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu. Bùi Chát xác lập “Hội hoạ tình huống trước tiên là một lối thực hành nghệ thuật hướng vào bên trong. Người thực hành giải quyết vấn đề của mình, cho mình – trước khi nghĩ đến nhà phê bình, sưu tập hay bất cứ công chúng nào!”.

Với tư duy xác quyết đó, người xem thấy rõ trong tất cả các lần triển lãm tranh trước giờ của nhà thơ Bùi Chát đều là cuộc chơi của một người nghệ sĩ, với chính mình là chủ yếu. Hẳn nhiên, càng chơi thì nhà thơ- họa sĩ này lại càng ý thức đào sâu vào tự thể của mình, nhưng vẫn bằng những tình huống ngẫu biến của đường nét lẫn màu sắc. Tạo hình trong tranh trừu tượng của Bùi Chát chính là những đường màu bay tự do trong vùng không gian quy định của khung tranh, nhưng xem chừng lại bất quy ước trong mắt người xem.

vung-lua-so-16-son-dau-tren-canvas-kich-thuoc-150x195cm-.jpg

Đặc biệt, với “Vùng Lụa”, màu sắc một lần nữa tái định hình bất khả chối từ về câu chuyện tạo hình trong tranh trừu tượng của nhà thơ Bùi Chát, như một minh định giữa làn ranh bất khả thể và vô hình dung với những tiếp biến trong đời thực mà người họa sĩ trực nhận, rồi cứ thế tỏ bày trực cảm trên tranh.

Và theo nhà phê bình mỹ thuật Hà Vũ Trọng nhận định, “Thủ pháp vẽ tranh ở đây tương tự ‘sfumato’ (tiếng Ý tức khói mờ) làm dịu quá trình chuyển đổi giữa các màu sắc, làm mọi thứ mờ nhoè, mọi thứ không còn tiêu điểm, và những màu sắc như ở trạng thái của khí lỏng. Trong khoảng chân không đó, mọi hình thể dường như đã tan biến trong sự chuyển động hoà trộn tất cả những mặt phẳng, đường nét và màu sắc thành một tổng thể không ngừng chuyển động và đang tan biến…”.

Trong một trường liên tưởng ngẫu nhiên, “Vùng Lụa” của thi sĩ họa sĩ Bùi Chát dường như cũng ít nhiều gợi nhắc đến bầu sinh quyển nguyên sơ trong tiểu thuyết “Lụa” (xuất bản lần đầu vào năm 1996) của nhà văn, đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn người Ý Alessandro Baricco (sinh năm 1958). Và cả với thấu thị không gian hư ảo huyền hoặc có hình mà như không hình trong bản phim cùng tên chuyển thể từ “Lụa” phát hành vào năm 1997, là một sản phẩm hợp tác quốc tế của Canada, Ý và Nhật Bản- dưới bàn tay “họa hình” của đạo diễn François Girard.

Hẳn nhiên, việc xem những tác phẩm nghệ thuật, nhất là với tranh Trừu tượng vốn dĩ trông không giống bất cứ thứ gì trong đời thực sẽ khiến bộ não của người xem phải thực hiện thêm nhiều bước để thử và hiểu được nó. Nghệ thuật trừu tượng luôn khiến người xem phải đặt khoảng cách tâm lý tự vấn giữa họ và nghệ thuật nhiều hơn, so với các tác phẩm “có hình” như thông thường. Về cơ bản, xem nghệ thuật trừu tượng sẽ gây ra những thay đổi nhận thức đáng chú ý với người tiếp nhận.

Nhà tâm lý học Daphna Shohamy, Giáo sư Tâm lý học tại Viện Hành vi Não bộ Zuckerman tại Đại học Columbia cho rằng, nghệ thuật trừu tượng có ảnh hưởng đến trạng thái nhận thức chung của chúng ta, thậm chí vô thức vượt xa mức độ chúng ta yêu thích nó, để thay đổi cách chúng ta nhìn nhận các sự kiện và đưa ra quyết định.

Quan điểm cho rằng một tác phẩm nghệ thuật phải gợi lên một phản ứng cụ thể từ người xem là chủ đề của một số cuộc tranh luận, mặc dù không chắc rằng nhiều người ủng hộ ý tưởng đó đã nghĩ đến những phát hiện của nghiên cứu này. Nghiên cứu này cũng sẽ không giải quyết bất kỳ cuộc tranh luận nào về thẩm mỹ hoặc khiến mọi người trở thành người yêu nghệ thuật hiện đại, nhưng nó có thể dẫn đến những hiểu biết mới về cách nghệ thuật ảnh hưởng đến người xem, và đóng vai trò như một lời nhắc nhở về mức độ ảnh hưởng của tác phẩm nghệ thuật trừu tượng với vẻ đẹp vô thức tác động đến tâm trí người thưởng ngoạn.

Triển lãm “Vùng Lụa” do J Art Space tổ chức – diễn ra từ 21/03/2024 - 14/04/2024 tại Không gian J Art Space (số 30 đường số 10, phường Thảo Điền, quận 2, Tp. Thủ Đức- Tp. HCM). Vào cửa tự do.

Châu Quang Phước