Thời sự

Đề xuất bỏ độc quyền cơ chế Nhà nước sản xuất vàng miếng

Thanh An 21/03/2024 14:00

Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Đề xuất này được Ngân hàng Nhà nước trình bày tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vào ngày 20/3.

Theo Ngân hàng Nhà nước, giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường. Do vậy, sau hơn 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.

h1vkalay.jpg
Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ độc quyền cơ chế Nhà nước sản xuất vàng miếng

Vì vậy, tại cuộc họp, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Hiện tại, giá vàng SJC trên thị trường đang liên tục biến động cho thấy hoạt động này có nhiều bất ổn, không đảm bảo mục đích ổn định thị trường vàng. Do đó, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách mà Nghị định 24 là trọng tâm, xây dựng cơ chế can thiệp để ổn định thị trường, bổ sung quy định về biên độ chênh lệch. Trên cơ sở đó, đánh giá lại công tác quản lý khuôn sản xuất vàng SJC và phương án quản lý khuôn vàng miếng này.

Trước đó, tại họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024", Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các bộ, ngành chức năng có liên quan, Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24.

Thông qua các ý kiến được tiếp nhận, Ngân hàng Nhà nước nhận định, việc sửa chữa cơ chế sẽ trở thành mục tiêu quan trọng lớn nhất trong quá trình xây dựng và trong suốt quá trình triển khai Nghị định 24 trong chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng đã đáp ứng được kỳ vọng đề ra. Tuy nhiên, vì đã ra đời cách đây hơn 11 năm và các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24 là cần thiết và cần phải sửa đổi sớm hơn. Bởi quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ so với lợi ích của toàn bộ 100 triệu dân, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.

Thanh An