Vì sao phim Nhà nước “lép vế”?
Thành công của một bộ phim, ngoài yếu tố tiên quyết là chất lượng còn là sự cộng hưởng từ hiệu ứng mạnh mẽ của quảng bá và phát hành.
Từ lâu, khi bàn chuyện phim Nhà nước đặt hàng chỉ chiếu trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm rồi “cất kho”, người ta đã nói đến việc thiếu quảng bá, hạn chế về phát hành. Tuy được cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chi phí phát hành rất ít ỏi. Dự toán chi Ngân sách Nhà nước đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim năm 2022, có 4 phim điện ảnh: Phượng cháy; Hồng Hà nữ sĩ; Đào, phở và piano; Phơi sáng nhưng chi tài trợ phổ biến phim chỉ 500 triệu đồng. Nhà sản xuất phim Phơi sáng từng chia sẻ rằng, chi phổ biến có 100 triệu đồng chỉ đủ để làm một buổi ra mắt phim gói ghém từ thuê rạp chiếu, in áp phích quảng cáo.
Thực tế chứng minh, ngoài chất lượng phim thì hiệu ứng từ quảng bá chính là chất xúc tác mạnh mẽ đưa Lật mặt, Mắt biếc, Bố già, Nhà bà Nữ, Mai... tiếp cận đông đảo khán giả, và có doanh thu rất tốt hoặc cao kỷ lục. Từ khi lập dự án, quay phim, hậu kỳ, công chiếu... các phim tư nhân này đã sử dụng nhiều phương thức quảng bá đa dạng như: thông tin trên báo chí, truyền thông; showcase (sự kiện giới thiệu phim); snekshow (chiếu sớm); cinetour (giao lưu với khán giả); tung trailer; lập fanpage; tung clip hậu trường, khai thác sức hút của diễn viên, đạo diễn, nhân vật, bối cảnh; ra mắt sách, phim ngắn, webtoon, MV nhạc phim; tổ chức cuộc thi; treo poster và banner trước rạp hay trên đường phố, trung tâm thương mại, xe bus…. Đặc biệt, Facebook, Youtube, TikTok và các mạng xã hội, trang cá nhân của người nổi tiếng, Kol (người dẫn dắt dư luận)... được khai thác triệt để, tạo nên những làn sóng thảo luận, tương tác, bình luận, chia sẻ hàng triệu like, triệu view từ công chúng. Kinh phí quảng bá của tư nhân thường là từ 2,5-3 tỷ đồng/phim, có phim lên đến chục tỷ đồng.
Hiện cả nước có gần 300 cụm rạp chiếu phim hiện đại của tư nhân và nước ngoài, chỉ có một cụm Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Về phí phát hành của tư nhân, hiện được tính theo hai cách: 4-5% của tổng doanh thu hoặc 8-10% tổng doanh thu, sau khi trừ phí thuê rạp. Còn chia doanh thu bán vé cho nhà rạp ở CGV và Galaxy Cinema là 55% tuần đầu, 50% tuần thứ hai và 45% tuần thứ ba.
Không có kinh phí, nên chỉ có phim hợp tác công tư (Nhà nước tài trợ 70% kinh phí sản xuất, 30% là xã hội hóa) như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác… được chiếu rộng rãi ở rạp; còn phim Nhà nước tài trợ hoàn toàn chỉ có một buổi chiếu ra mắt. Đào, phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ là hai phim truyện đầu tiên trong đề án thí điểm phổ biến phim Nhà nước đặt hàng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cùng ra rạp ngày 10/2 (mùng 1 Tết) tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - nhà sản xuất phim Hồng Hà nữ sĩ kể: “CGV rất ủng hộ phim, nhưng để phát hành được ở đây cũng phải mất vài tỷ đồng cho phát hành, cùng với quảng bá, chạy trailer, quảng cáo, thông tin báo chí”.
Đào, phở và piano nhờ hiệu ứng từ truyền thông mạng lan tỏa đến khán giả đại chúng. Sau khi phim “gây sốt”, Cục Điện ảnh đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát hành phim rộng rãi trên toàn quốc. Nhưng chỉ có cụm rạp Beta Media và Cinestar, sau đó là Mega GS nhận chiếu phim. “Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho việc sản xuất phim thôi, còn chưa có quy định về tỷ lệ % khi phát hành, phổ biến phim Nhà nước đặt hàng 100%”, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết. Do 100% doanh thu bán vé phải nộp về Ngân sách Nhà nước, dù sẵn sàng hợp tác song rạp tư nhân không thể chiếu miễn phí. Khi chiếu bất cứ bộ phim nào, họ đều phải thanh toán tiền thuê địa điểm, tiền điện, tiền nước theo giá thương mại, tiền khấu hao máy móc thiết bị, tiền nhân công.
Với phim Nhà nước đặt hàng bấy lâu nay, chúng ta sản xuất sản phẩm mà chưa nghĩ đến việc bán sản phẩm. Khán giả là khách hàng. Từ giờ trở đi, tôi nghĩ Nhà nước sẽ để ý khâu phát hành này hơn”. Theo PGS-TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Nhà nước cần thay đổi chính sách, quy định về điện ảnh, cả trực tiếp liên quan và gián tiếp (như về thuế, phí, quản lý, sử dụng tài sản công) để tạo ra sự linh hoạt nhiều hơn, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong quá trình sản xuất và phát hành phim. Ông hiến kế, Nhà nước có thể đầu tư để sản xuất bộ phim, còn phát hành thì giao cho tư nhân, nhưng phải có cơ chế phân chia lợi nhuận cho các nhà phát hành.
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ năm 2021 không có hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa nữa. Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, có vấn đề hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động sản xuất, phổ biến, phát hành, quảng bá, đào tạo nhân lực điện ảnh. Vì thế, đang chờ các cơ quan chức năng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp.