Trong nước

10 phiên thảo luận về các vấn đề nổi bật của báo chí tại "Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024"

Khánh Hưng 17/03/2024 11:41

Gần 2 ngày làm việc với 10 phiên thảo luận chuyên sâu cùng nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà nghiên cứu… về các vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam.

1(1).jpg

Phiên thảo luận khẳng định vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam là hết sức quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội tích cực, đặc biệt thể hiện rõ trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh hiện nay.

Các diễn giả cũng nhất trí rằng, tính Đảng, tính định hướng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động báo chí cách mạng, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những thách thức to lớn, như cạnh tranh thông tin trong kỷ nguyên số, khi tâm lý, thị hiếu công chúng thay đổi, phương tiện thay đổi; những hạn chế, điểm yếu, dư địa đổi mới nằm ngay trong bản thân cơ chế hoạt động của các cơ quan báo chí của Đảng.

bosung1.png
2.jpg

Các tham luận đều khẳng định, bên cạnh việc tuân thủ pháp luật trong tác nghiệp, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn xuất phát từ góc nhìn nhân văn, văn hóa để tiếp cận và phản ánh các vấn đề, sự việc, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Nghiêm chỉnh thực hiện 6 tiêu chí trong xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, cùng với 6 tiêu chí của người làm báo văn hóa. Các cơ quan báo chí phải thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

bosung2.png
3.jpg

Báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam, là xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại. Để có một sự phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Thông qua hệ sinh thái này, các cơ quan báo chí có khả năng sẵn sàng chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Để phát triển báo chí dữ liệu, cần hiểu rõ bản chất, vai trò, điều kiện thực thi nó, có giải pháp tổng thể trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn năng lực, nguồn lực, xu hướng thế giới, đặc thù công chúng của từng cơ quan báo chí. Để thu được hiệu quả vượt trội về nội dung, cơ quan báo chí cần tiến hành đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông.

fix-pb2(1).png
4.jpg

Theo Báo cáo Triển vọng 2023-2024 của Hiệp hội các nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA), trọng tâm đầu tư phát triển của các tòa soạn trên thế giới những năm tới sẽ nhắm vào Công nghệ và Trí tuệ Nhân tạo. Nhưng muốn thực hiện tham vọng đó, các tòa soạn cần phải đa dạng hóa nguồn thu, phát triển những mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Như vậy, việc đầu tư cho công nghệ cũng chính là hướng đến phương thức tạo nguồn thu mới, thay thế cho các nguồn thu truyền thống.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, nhiều chuyên gia cũng khẳng định Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang trở thành nhân tố có thể làm thay đổi cuộc chơi, không chỉ với báo chí mà còn trên bình diện rộng hơn. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào sân chơi này.

fix-pb5(1).png
5.jpg

Đánh giá cho thấy, doanh thu của báo chí Việt Nam đã giảm mạnh trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020. Tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020. Những năm hậu đại dịch có xu hướng ổn định hơn nhưng mức phục hồi, tăng trưởng chậm. Cụ thể, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm.

Vấn đề đa dạng nguồn thu là “bài toán khó” đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí hiện nay. Nếu chỉ trông chờ, phụ thuộc nhiều vào quảng cáo, thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, nhất là trong bối cảnh nhiều cách tìm khách hàng không còn phải đi qua các cơ quan báo chí.

fix-pb3(1).png

Các tòa soạn đang nỗ lực đa dạng hóa tiếp cận độc giả bằng cách tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nhiều hơn. Trong đó, nỗ lực đa dạng các kênh tiếp cận độc giả, bởi có độc giả mới có nguồn thu. Cũng theo các diễn giả, các cơ quan báo chí đã có những bước chuyển mới khi phần lớn nguồn thu hiện nay chuyển sang nền tảng số. Sự chuyển đổi này đến từ việc đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên.

6.jpg

Tại phiên thảo luận, các diễn giả chia sẻ, phóng sự điều tra là thể loại "búa bổ", là "hòn đá tảng" trên mỗi tờ báo. Hiện nay, số lượng các tác phẩm thuộc thể loại này đang khá thưa thớt, ít tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động.

Các diễn giả đã đưa ra 4 giải pháp và kiến nghị để phát triển báo chí điều tra, bao gồm: (1) Chú trọng đào tạo phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; (2) Các báo nên khôi phục lại nhóm/ tổ/ phòng ban chuyên về thể loại điều tra, có chuyên mục riêng nhằm “giữ lửa” cho thể loại này; (3) Có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, khuyến khích thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro”; (4) Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách và đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.

7.jpg

Công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh có tính cách mạng trong việc tạo ra những hình ảnh và nội dung sinh động. Đồng thời, đây cũng là một công cụ để hiểu và phục vụ được công chúng một cách tốt nhất.

Các diễn giả đều nhất trí với quan điểm “AI là cơ hội trăm năm có một”. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh sẽ tạo ra sự giải phóng sức lao động, cũng như nâng cao năng suất lao động một cách vượt bậc trong sản xuất sản phẩm truyền hình. Điều đó giúp cho ngành truyền hình phát huy được thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo tạo sinh mang lại cũng là những thách thức rất lớn trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra những nội dung tương tự như những nội dung có bản quyền. Điều này dẫn tới sự vi phạm sở hữu trí tuệ. Đây cũng chính là lúc phát huy vai trò của trí tuệ con người đối với những sản phẩm mà trí tuệ nhân tạo tạo ra.

fix-pb44.png

Song song với đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI, người làm báo cần tiếp tục tạo ra và chia sẻ những thông tin mang tính xác thực và có giá trị nhân văn. Đó là những dữ liệu đóng góp vào kho dữ liệu lớn của Việt Nam. Ngoài ra, người làm báo cần thành thạo công nghệ; biết làm báo đa phương tiện; sử dụng tốt thiết bị di động; sử dụng mạng xã hội…

8.jpg

Tại phiên thảo luận, nổi bật lên là quan điểm các Đài Phát thanh - Truyền hình cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, để có những chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.

Trong môi trường số, phát thanh không thể duy trì format cũ. Công chúng báo chí, cách tiếp cận thông tin của thính giả nghe đài phát thanh đang thay đổi, chuyển từ xu thế nặng về tiếp nhận một chiều sang tiếp nhận tương tác đa chiều. Người nghe phát thanh không chỉ trên radio như trước khi mà họ nghe mọi lúc, mọi nơi và bất kỳ lúc nào với những thông tin họ muốn.

Các ý kiến cho rằng, để các Đài Phát thanh - Truyền hình, các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam có thể tồn tại, phát triển, rất cần xây dựng chiến lược để phát triển các nội dung phát thanh trên nền tảng số. Chiến lược này đòi hỏi những giải pháp cụ thể, và cả những đề xuất, kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền để phát thanh Việt Nam phát triển, cạnh tranh lành mạnh với các loại hình báo chí khác trên nền tảng số.

fn-pb8.png
9.jpg

Báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo luôn được coi là một mối quan hệ bền chặt, tương hỗ lẫn nhau. Trong bối cảnh thay đổi chung, việc nhìn nhận lại mối quan hệ này để thúc đẩy hơn nữa hợp tác lành mạnh giữa các bên là rất cần thiết.

fix-pb78.png

Không chỉ giới hạn ở các mô hình hợp tác quảng cáo, truyền thông thương hiệu, báo chí và doanh nghiệp có thể mở rộng hợp tác ở nhiều hình thức khác nhau. Xu hướng marketing bằng nội dung mở đường cho giải pháp hợp tác gọi là branded content - nội dung báo chí mang tính truyền thông cho thương hiệu, dưới nhiều hình thức khác nhau, trên mặt báo hoặc bên ngoài mặt báo, phù hợp cho mô hình đa nền tảng của báo chí hiện đại. Bên cạnh đó là một số hoạt động có thể hợp tác như tuyên truyền, định hướng khuynh hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững...

10.jpg

Tại phiên thảo luận, các diễn giả chia sẻ về thực trạng vi phạm bản quyền báo chí vẫn diễn ra thường xuyên. Các nội dung được đăng lại tràn lan trên các nền tảng như: Facebook, Tiktok, Youtube, các nền tảng video ngắn và các trang tin điện tử. Nghiêm trọng hơn là hành vi cắt xén, mạo danh, ghép nối các nội dung, định hướng và có tác động tiêu cực. Nguyên nhân được cho là ý thức của người vận hành trang mạng, độc giả và những người tiếp nhận còn hạn chế về kiến thức kỹ năng để phân biệt được thông tin chính thống. Bên cạnh đó, việc thực thi và xử lý với hành vi vi phạm vẫn còn hạn chế.

Việc bảo vệ chống lại vi phạm bản quyền yếu ớt khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí đàng hoàng cũng sa sút; từ đó dẫn đến vòng luẩn quẩn: Báo chí bị vi phạm bản quyền dẫn đến suy yếu về kinh tế, từ đó phải chạy theo thị hiếu cơ bản của bạn đọc và phụ thuộc thêm vào quảng cáo, dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư cho báo chí chất lượng, hệ quả là hầu hết các cơ quan báo chí đều chạy một hướng dễ dãi, dẫn đến nhu cầu bảo vệ bản quyền trở nên “không cần thiết”.

fix-pb10(1).png

Ngoài việc cùng thảo luận về giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí trong môi trường số, các diễn giả còn đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí. Cùng với đó là việc đóng góp vào quá trình sửa đổi Luật báo chí nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền báo chí. Nổi bật nhất là ý kiến đề xuất thành lập liên minh bản quyền báo chí.

Khánh Hưng