Nhân sự

Hiệp hội Yến sào Cần Giờ hướng tới mục tiêu đưa thương hiệu ra thế giới

Thanh An 13/03/2024 12:30

Vừa qua, Hiệp hội Yến sào Cần Giờ (Hiệp hội) đã chính thức thành lập với mục tiêu phát triển tiềm năng của thương hiệu yến sào Cần Giờ trên thị trường.

Hiệp hội được thành lập theo Quyết định số 5993/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND TP.HCM. Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực yến sào chính thức được thành lập và tổ chức tại Đại hội lần thứ 1, nhiệm kỳ 2024-2029 của TP.HCM.

z5251104235617_3d63026f145a7e4ecc16ce386db50268.jpg
Ban Chấp hành Hiệp hội Yến sào Cần Giờ khóa I

Ban Chấp hành Hiệp hội khóa I bao gồm 15 thành viên. Trong đó, ông Trần Phương Tuấn được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội khóa I, nhiệm kỳ 2024-2029.

Phương hướng và các hoạt động chủ yếu của Hiệp hội là tập trung vào nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước trong huyện, để phản ánh tâm tư nguyện vọng của hội viên và tổ chức doanh nghiệp hội viên nhằm hỗ trợ chính sách hành lang pháp lý, thủ tục hành chính để thúc đẩy việc xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực yến sào.

Đồng thời, Hiệp hội chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài huyện, các Hiệp hội khác để tạo sức mạnh và phục vụ được nhiều hơn cho hội viên và các doanh nghiệp thành viên. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm yến sào trên địa bàn huyện, đóng góp chủ động và tích cực vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Cần Giờ... hướng đến mục tiêu hình thành thương hiệu quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao, ổn định chất lượng tổ yến, sản phẩm chế biến từ tổ yến, cải tạo mẫu mã, bao bì… để yến sào Cần Giờ ngày càng khẳng định thương hiệu và tạo được sự tin yêu từ người tiêu dùng.

“Chúng tôi sẽ tập hợp, liên kết về nguồn lực, trí tuệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện để cùng hỗ trợ các hội viên, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và liên danh, liên kết hợp tác nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nuôi chim yến, các lĩnh vực khác liên quan đến chuỗi giá trị để ngành nghề yến sào Cần Giờ phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Tuấn chia sẻ.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển yến sào trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội và mở rộng thị trường cho mặt hàng yến sào Cần Giờ, hướng đến việc phát triển sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và xuất khẩu tổ yến.

z5253229640380_72b44dfc7a3a75f548db7aafa006d41f.jpg

Được biết, hiện toàn huyện Cần Giờ hiện có 519 căn nhà nuôi chim yến lấy tổ. Hàng năm, cho thu hoạch từ 13-14 tấn tổ yến và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận yến sào Cần Giờ vào năm 2019. Huyện có 44 cơ sở sơ chế và chế biến tổ yến, trong đó 39 cơ sở sơ chế, 5 cơ sở chế biến sâu, 4 đơn vị đủ điều kiện và được huyện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu yến sào Cần Giờ.

Trong đó, thương hiệu yến sào Cần Giờ có 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao và 2 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố. Mỗi năm, nghề yến Cần Giờ mang lại giá trị khoảng 300 tỷ đồng góp phần tăng trưởng cho ngành nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện.

Thanh An