Trong nước

AI sẽ giúp báo chí tiến xa hơn trong thời đại số hóa

Hà Thủy 14/03/2024 12:03

Công nghệ hiện là đồng minh để tạo ra báo chí chất lượng cao, ngay cả những cơ quan báo chí ở những quốc gia nhỏ cũng được lợi nhiều. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí đã tiến đến một giai đoạn mới, AI không chỉ phân loại tin tức mà còn cá nhân hóa tin tức, nâng cấp lên rất nhiều.

Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân đã chia sẻ như vậy tại hội thảo ‘Tương lai của báo chí và trí tuệ nhân tạo", do Global PR Hub cùng Hội Nhà báo Việt Nam, hãng tin Reuters và MGID phối hợp tổ chức vào chiều 13/3, tại Hà Nội.

nha-bao-le-quoc-minh-chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam-1-.jpg
Ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm và Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cùng 70 đại diện tòa soạn và cơ quan quản lý tin tức, báo chí và truyền hình tại Việt Nam. Tại sự kiện, nhiều vấn đề của báo chí hiện đại được đưa ra bàn luận, trong đó có những cơ hội, thách thức và sự chuyển dịch cần thiết của ngành truyền thông Việt Nam để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

gan-100-phong-vien-nha-bao-bien-tap-vien-co-mat-tai-hoi-thao.jpg
Các đại biểu tham dự sự kiện

"Báo chí nên quay trở lại với bản chất ban đầu"

Trải qua hai thập kỷ, báo chí nước ta đã có sự biến đổi to lớn do ảnh hưởng của công nghệ và môi trường truyền thông mới. Để thích nghi và tiếp tục phát triển, các cơ quan báo chí cần tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới đồng thời tìm cách kết nối với độc giả một cách hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Quốc Minh, trí tuệ nhân tạo (AI) không phải là chủ đề mới. Hiện nay, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí bước đến một giai đoạn mới, AI không chỉ phân loại tin tức mà còn cá nhân hóa tin tức, nâng cấp lên rất nhiều, "cụ thể gần đây đó là AI tạo sinh".

Công nghệ hiện là đồng minh để tạo ra báo chí chất lượng cao, ngay cả những cơ quan báo chí ở những quốc gianhỏ cũng được lợi nhiều. Vì vậy, nhiều cơ quan báo chí cho rằng, đầu tư vào AI vẫn là lĩnh vực được ưu tiên và quan trọng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt thì cũng "tiềm ẩn nhiều rủi ro khó có thể phát hiện, thậm chí tác động tiêu cực, khiến công chúng mất niềm tin với báo chí".

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đưa nhiều dẫn chứng cho những tiềm ẩn rủi ro của AI, của fake news, điển hình như trong việc tạo ra nội dung. Cụ thể, một trang thông tin chuyên về công nghệ thời gian gần đây đã âm thầm sử dụng AI để tạo ra nội dung và phát hiện 40% nội dung trên là sai, hay AI có thể dẫn ra những câu rất thuyết phục nhưng lại hoàn toàn giả mạo. Đặc biệt, ông Minh cho rằng cần phải thúc đẩy những quy định về mặt pháp lý để bảo vệ bản quyền của báo chí đang được tiêu dùng, được phân tích bởi AI.

Ngoài ra, theo ông Lê Quốc Minh, mỗi cơ quan cần tìm ra sức mạnh, phân khúc của mình để tạo ra các mô hình kinh doanh phù hợp, đặc biệt, báo chí hiện nay cần quay trở lại với bản chất ban đầu. Đó là, phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả, gắn bó với họ, phải hiểu họ là ai để đưa ra những nội dung phù hợp.

"Cuối cùng là câu chuyện báo in, người ta nói rằng là những cái gì có thể tìm thấy được trên internet thì đừng đưa lên báo in nữa. Báo in là thứ rất quý giá, viết và đăng nội dung thật xứng đáng thì chúng ta mới có thể thu hút được người dùng", ông Lê Quốc Minh nói.

Tiếp cận và tối ưu AI trong hoạt động báo chí

phien-toa-dam-khai-thac-tri-tue-nhan-tao-cho-bao-chi-tuong-lai.jpg
Phiên tọa đàm: Khai thác Trí tuệ nhân tạo cho Báo chí tương lai

Chia sẻ tại sự kiện, ông Francesco Guarascio - Trưởng Đại diện Hãng tin Reuters tại Việt Nam cho rằng, AI không giảm thiểu công việc của báo chí mà là một công cụ giúp cho nhà báo trong quá trình xử lý thông tin, tuy nhiên AI có thể mang lại những rủi ro cho hoạt động báo chí.

"Chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn cần người giám sát những gì AI làm. Tại Reuters, con người luôn chịu trách nhiệm giám sát, kiểm soát những nội dung của AI; Al chưa thể thay thế được con người trong hoạt động báo chí", ông Francesco Guarasci khẳng định.

Tại Việt Nam, nhiều tòa soạn cũng đã ứng dụng AI, Phó tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật đã nêu thực trạng ứng dụng AI trong hoạt động báo chí tại nước ta hiện nay. Cụ thể các tòa soạn đã tự động hóa các khâu sản xuất tin tức như viết tin, tóm tắt tin, đặt tít, chọn từ khóa...; dùng AI để hiểu độc giả (độc giả là ai? ở đâu? muốn gì?); dùng AI để sản xuất podcast, video và các sản phẩm đa phương tiện khác.

Báo Thanh Niên sử dụng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả, hay VnExpress sản xuất podcast tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả, kiểm tra từ khóa trong bài viết.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật cũng cho rằng, hiện các toà soạn Việt Nam mới chỉ “đặt một chân” vào lĩnh vực AI và còn nhiều bỡ ngỡ. Với những lợi ích mà AI mang lại, theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, các tòa soạn đừng để lỡ “chuyến tàu trí tuệ nhân tạo" thêm một lần nữa.

Tuy nhiên, theo ông Nhật, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước bởi khung pháp lý chưa hoàn thiện để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; đa phần các cơ quan báo chí chưa chủ động về mặt công nghệ, chi phí dành cho nghiên cứu phát triển (R&D) quá lớn.

Tại hội thảo, một số các chuyên gia đã chia sẻ các giải pháp nhằm tăng trải nghiệm độc giả qua thực tế tăng cường và báo chí tự động, tối ưu hóa quy trình sản xuất tin tức bằng AI... Bên cạnh đó, không làm mất đi tính “con người”, tính cá nhân hóa cho người dùng và sự đa dạng của nội dung.

Hà Thủy