Kinh tế số

Ngành công nghiệp game Việt sở hữu nhiều tiềm năng

Khánh Hưng 13/03/2024 - 21:14

Năm 2022, thế giới có gần 3,2 tỷ người chơi game và doanh thu ước đạt 182,9 tỷ USD. Dự báo năm 2026, con số này sẽ tăng lên mốc 3,79 tỷ người chơi game chiếm hơn 47% dân số thế giới với mức doanh thu ước đạt 212,4 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng game di động tăng 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025.

Theo số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất trên thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025.

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) chia sẻ, ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua, thể hiện qua doanh thu ngành Game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Nhìn một cách thực tế, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở và tiềm năng để phát triển hơn nữa khi có những chính sách phù hợp để "khai phóng".

Ngành game Việt Nam đã có những thành tựu nhất định trong năm 2023. Thần Trùng của DUT Studio khởi đầu thuận lợi khi đạt vị trí top 1 xu hướng trên Steam trong ngày ra mắt, vượt mặt cả Dota 2 và GTA V. Trò chơi kinh dị này trở thành tựa game được chơi nhiều nhất, khi ước tính có khoảng 1.500 người chơi cùng lúc ở giờ cao điểm, với 97% phản hồi tích cực. Sự thành công này như một hồi trống thúc đẩy các studio game Việt bùng nổ.

maxresdefault.jpg
Thần Trùng là game Việt gặt hái nhiều thành công trong năm 2023

Thể thao điện tử (eSports) tại Việt Nam cũng có những bước phát triển vô cùng ấn tượng trong suốt 10 năm qua. Tại SEA GAMES 31, đoàn thể thao điện tử Việt Nam đã xuất sắc chắc giành được bốn huy chương vàng và ba huy chương bạc.

Các giải đấu thể thao điện tử trong nước từ cấp độ chuyên nghiệp, bán chuyên, cho đến đại học đang ngày một phổ biến hơn. Giải đấu National Student Open Cup với sự tham gia của hơn 100 trường đại học, cao đẳng trên toàn Việt Nam. Ngoài ra, nhiều đơn vị như Intel cũng đang liên kết với các đối tác trong nước để thúc đẩy thể thao điện tử cách tổ chức các sân chơi và giải đấu ở nhiều cấp độ, như gần đây nhất là Đấu Trường Máy Tính, Intel Tech Camp,...

Vẫn cần những chính sách để "khai phóng" tiềm năng

Ở Mỹ, các nhà phát triển game có thể được hưởng khoản tín dụng thuế R&D (nghiên cứu và phát triển) cho việc tạo và cải thiện sản phẩm. Hay ở Anh, chính phủ hỗ trợ các nhà phát triển game bằng cách hoàn thuế cho số tiền họ chi vào việc thiết kế, sản xuất và thử nghiệm trò chơi mới. Chính phủ Việt Nam có thể xem xét đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích các studio game nghiên cứu và phát triển những sản phẩm giá trị cao, mang lại nhiều lợi ích.

Muốn phát triển thể thao điện tử về mọi mặt, cơ quan quản lý cần phải tạo điều kiện, môi trường phù hợp để các bên liên quan như Hội Thể Thao Điện Tử Giải Trí Việt Nam (VIRESA), các trường đại học, các công ty phát hành game, và các thương hiệu có thể mạnh dạn hơn trong việc đào tạo, tạo sân chơi một cách bài bản và dài hạn.

martech-talk.jpeg
Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng

Việt Nam cũng cần có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ game thủ ngay từ sớm. Các lớp dạy về thể thao điện tử nên được đầu tư bài bản, chỉn chu và được hợp thức hóa, chứ không chỉ tổ chức nhen nhóm và rời rạc.

Về việc cạnh tranh danh hiệu, Việt Nam cần tăng thêm các phúc lợi cho tuyển thủ khi tham gia học tập và thi đấu, tạo ra các chính sách phù hợp giúp các nhà tài trợ thoải mái hơn khi phát triển các dịch vụ trong nước. Có như vậy, các đội tuyển thể thao điện tử tại Việt Nam mới có đầy đủ tiềm lực và điều kiện để tập trung vào rèn luyện tốt nhất. Đó cũng là cách mà các nước phát triển Hàn Quốc, Anh, Mỹ hay Trung Quốc đang áp dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động, đạt con số bằng với thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp, và kêu gọi khoảng 400 start-up sản xuất game tham gia cộng đồng.

Khánh Hưng