Đón thị trường Carbon, ngành gỗ vượt thách thức
Tài chính xanh và thị trường carbon vừa là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là ngành gỗ.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam” do Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh - GREEN MEDIA HUB phối hợp với Ban tổ chức Hội chợ HAWA EXPO2024, tổ chức vào ngày 7/3, ông Phùng Quốc Mẫn - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực và dự kiến ngành gỗ Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD trong năm 2024. Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp ngành gỗ cần hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng các thị trường xuất khẩu, tận dụng các cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề tài chính carbon và thị trường carbon.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tùng - Giám đốc Quỹ Vinacarbon: “Tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp ngành gỗ để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam, nhằm giúp quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất lớn do cây có tính năng hấp thụ cacbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa... Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ nhận thức được việc đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện thì nguồn thu của doanh nghiệp không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon.
Cũng theo ông Tùng, tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững, do đó sẽ tăng tính cạnh canh và khả năng thâm nhập vào các thị trường như EU, mang lại giá trị cao hơn cho hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Việt Nam nhận được hơn 41 triệu USD từ Ngân hàng thế giới từ việc chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài cho các dự án carbon nói chung và các dự án carbon từ ngành gỗ nói riêng tại Việt Nam là rất lớn.
Để thu hút đầu tư và tận dụng nguồn vốn của các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải chủ động và tích cực trong quá trình “xanh hóa”, từ việc ban lãnh đạo cần thiết phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, thiết lập các bộ phận chuyên trách và sẵn sàng thay đổi cách tiếp cận, quản lý cho phù hợp với một dự án tạo tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; tăng cường quảng bá thương hiệu và chất lượng sản phẩm và xây dựng các khu công nghiệp chế biến tập trung quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Hoàng Minh - Tổng giám đốc Công ty CP SEA, hiện nay, các doanh nghiệp phải đầu tư từ 3-6 USD cho một tín chỉ carbon nhưng tương lai chẳng biết bán được bao nhiêu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay và lúng túng trên hành trình thực thi.
Các chuyên gia trong lĩnh vực cũng nhất trí, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách cần tập trung vào các khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận. Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.