Quốc tế

Nhật Bản đang mắc kẹt trong quan hệ Mỹ - Trung?

VP 13/03/2024 16:00

Báo chí Nhật Bản cho biết, viễn cảnh ông Trump giành chiến thắng, đang nhận được sự quan tâm lớn ở xứ mặt trời mọc. Không chỉ song phương, viễn cảnh trên còn tác động mạnh đến các quan hệ đa phương, như tam giác Mỹ - Nhật – Trung.

Nhật Bản không phải là bên duy nhất chuẩn bị cho giả định ông Trump chiến thắng. Viễn cảnh này còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ với NATO, với Ukraine, với châu Âu hoặc với Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

Một số ý kiến cho rằng, Tokyo đang xem xét trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, nước Mỹ sẽ duy trì các cam kết với Nhật như thế nào; quan hệ Mỹ-Trung ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Nhật ra sao, trong lúc 2 cường quốc châu Á vẫn duy trì mối quan hệ khăng khít về kinh tế.

wwwassets.rand.org-content-rand-pubs-commentary-2018-09-the-implications-of-us-china-trade-tensions-for-japan-jcr-content-par-teaser.fit.0x1200.jpeg-_1537895888866.jpeg
Tam giác quan hệ Mỹ - Nhật - Trung đang ngày càng phức tạp. Ảnh: Rand Corporation

Điều này nghĩa là, Tokyo phải chuẩn bị đối mặt với thực tế, là tam giác ba bên Mỹ-Nhật-Trung đang ngày càng phức tạp. Theo nhiều chuyên gia, cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt hơn, mối quan hệ của Nhật Bản với 2 nước, sẽ không bền vững như hiện nay.

Điều không thể tránh khỏi, là Nhật Bản phải điều chỉnh lại chiến lược hợp tác với hai siêu cường - hai mối quan hệ quan trọng nhất.

Ngày 30/1/2024, Ngoại trưởng Yoko Kamikawa nhắc lại mong muốn của Nhật Bản, là theo đuổi mối quan hệ cùng có lợi, mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc.

Hàm ý trên được nhắc lại nhiều lần, sau khi Thủ tướng Fumio Kishida gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 11/2023. Hai bên nhất trí tìm kiếm giải pháp cho những khác biệt, như lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản của Trung Quốc, và vấn đề Trung Quốc giam giữ công dân Nhật.

Ngày nay, Nhật Bản và Trung Quốc mắc kẹt trong mối quan hệ căng thẳng về chính trị, bất chấp quan hệ kinh tế nồng ấm, khác giai đoạn 1970 – 1990. Một phần do Trung Quốc đã trỗi dậy, ngược với ảnh hưởng của Nhật suy giảm trên trường quốc tế. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 thế giới, và Nhật Bản tụt xuống thứ 4. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng gấp 4 lần Nhật Bản.

Diễn biến này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Tokyo. Năm 2023, Nhật Bản xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn nhất.

Nhật Bản đang cố gắng đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, bằng cách thực hiện điều mà ông Michael J. Green - giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney - gọi là cân bằng bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì củng cố năng lực phòng thủ của chính mình. Bên ngoài thì gắn kết liên minh với Mỹ, cũng như tăng cường hợp tác với Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ và ASEAN.

Nhật Bản cũng chú ý nhiều hơn về an ninh kinh tế, một phần do lo ngại ngày càng tăng về việc Trung Quốc vũ khí hóa thương mại, như kiểm soát các tuyến đường huyết mạch, và các sản phẩm chiến lược như đất hiếm.

Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản nói rằng, liên minh của họ chưa bao giờ mạnh như ngày nay. Bằng chứng là sự liên kết ngày càng tăng, thông qua một mạng lưới các sáng kiến song phương lẫn đa phương.

Cách tiếp cận của Mỹ và Nhật đối với Trung Quốc, phần nào cho thấy một số dấu hiệu đồng thuận. Ví dụ năm 2023, Nhật Bản cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu thiết bị bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, điểm khác biệt cũng xuất hiện. Ví dụ, Nhật Bản không quan tâm đến cơ chế kiểm soát xuất khẩu dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Một cơ chế như vậy sẽ làm suy yếu khả năng cân bằng mềm của Nhật Bản, thông qua các khái niệm mơ hồ có chủ ý như “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Mỹ cũng hướng nội nhiều hơn, khi ưu tiên an ninh quốc gia bất chấp không có lợi cho đồng minh. Điều này đúng dưới thời cả ông Trump lẫn Tổng thống Joe Biden. Ví dụ tăng cường giám sát đầu tư trong và ngoài nước. Điển hình là thương vụ liên quan đến công ty thép Nippon Steel của Nhật.

Vấn đề nan giải đối với Tokyo, là xích lại gần Mỹ để duy trì lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc, có thể khiến Bắc Kinh lợi dụng điểm yếu. Sự trả đũa có thể nặng hơn lệnh cấm nhập khẩu hải sản. Ví dụ cấm xuất khẩu than chì để sản xuất pin xe điện. Động thái như vậy có thể thường xuyên hơn, khi cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, và kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Mặt khác, Nhật Bản tìm cách phát triển quan hệ đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc, thì doanh nghiệp Nhật Bản càng bị sự giám sát chặt chẽ hơn từ Washington. Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ đã xem xét kỹ hơn các công ty Nhật Bản đầu tư vào công nghệ quan trọng của Mỹ, vì mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc.

Do đó theo các chuyên gia, Nhật Bản phải đối mặt với môi trường quốc tế phức tạp, ngày càng trở thành thách thức, khi 2 quốc gia quan trọng nhất đều muốn trở thành siêu cường thống trị toàn cầu.

Tuy nhiên, đây là thực tế mang tính hệ thống lâu dài, không phụ thuộc ai sẽ làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhiều tiếng nói cho rằng, bây giờ là lúc Nhật Bản phải định hình lại mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Thời gian qua, Nhật Bản tập trung vào tăng cường liên minh với Mỹ, và theo đuổi quan hệ ổn định với Trung Quốc, thông qua liên lạc thường xuyên. Nhưng phương thức này có vẻ không còn bền vững nữa.

Một số chuyên gia phương Tây gợi ý, thực tế mới đòi hỏi Nhật Bản phải kiên quyết liên kết với Mỹ và đối tác cùng chí hướng, đồng thời duy trì tự chủ chiến lược, để phòng ngừa các chính sách cực đoan của Nhà Trắng có thể khiến cạnh tranh Mỹ - Trung mất kiểm soát.

Theo giới quan sát, tái cơ cấu quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Nhật không hề dễ dàng lúc này. Nhật Bản đơn giản là không thể mạo hiểm ở hai thị trường quan trọng nhất, trong lúc nền kinh tế ảm đạm.

VP