Diễn đàn

Ý tưởng hay, thiết thực

TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ* 12/03/2024 - 15:01

Xây dựng tượng đài doanh nhân là một ý tưởng hay, thiết thực, góp phần trân trọng những đóng góp của các doanh nhân.

ong-lu-nguyen-xuan-vu.jpg

Qua việc xây dựng tượng đài doanh nhân sẽ giáo dục doanh nhân hiện tại cũng như doanh nhân thế hệ sau bên cạnh kiếm tiền cho doanh nghiệp, cần có ý thức phụng sự xã hội, phụng sự cộng đồng.

Tuy nhiên, lựa chọn doanh nhân nào, có đóng góp gì cho dân tộc, cộng đồng, đất nước ra sao, vấn đề kinh phí làm thế nào, không gian xây dựng ra sao là điều cần phải làm rõ.

Về các doanh nhân được đưa vào tượng đài, nên xét rộng ra nhiều thời kỳ, thời xây dựng, đấu tranh, giành độc lập, và cả trong thời bình. Họ phải là người của lịch sử, bởi nếu doanh nhân hiện tại thì hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai biết đâu sẽ mắc sai lầm.

Ngoài ra, nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các sở ngành, có góc nhìn của chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá khách quan, nếu cần thiết có thể tổ chức hội thảo, để mổ xẻ, bàn luận, đánh giá cho khách quan để xã hội đánh giá nhìn nhận xem có xứng đáng không. Như ở chợ Bình Tây (TP.HCM) dựng tượng đài vị sáng lập ra chợ Bình Tây - Quách Đàm cũng là một ý tưởng thú vị, có thể học hỏi.

Về không gian xây dựng, nên chọn các khu vực rộng rãi, hay khu vực mới. Ở TP.HCM có thể chọn khu vực TP.Thủ Đức (trước đây là quận 9), hay có thể xây dựng ở công viên văn hóa dân tộc. Tượng đài doanh nhân nên thiết kế trang trọng, đẹp mắt, nhưng không cần chi phí quá lớn, chủ yếu thể hiện sự trân trọng những đóng góp của doanh nhân.

Việc kêu gọi kinh phí thức hiện thì nên xã hội hóa, thông qua các đơn vị như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) hoặc các cơ quan báo chí, truyền thông như Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Khi các tổ chức có uy tín đứng ra kêu gọi sẽ được giới doanh nhân hưởng ứng và đóng góp.

(* )TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên

TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ*