Vì sao Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024?
Chính phủ Trung Quốc mới đây đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% trong năm 2024, thấp hơn 0,5% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức. Thủ tướng Lý Cường chia sẻ viễn cảnh trên trong bài phát biểu trước Quốc hội, sau cuộc họp thường niên tại Bắc Kinh.
Theo báo cáo chính thức, kinh tế Trung Quốc tăng 5,2% năm 2023, nhưng mục tiêu 5% cho năm 2024 được nhiều nhà quan sát đánh giá có phần chủ quan, do nền kinh tế vẫn đang mất động lực sau đại dịch Covid-19 và bất ổn toàn cầu. Thủ tướng Lý thừa nhận điều này trong bài phát biểu khi nói rằng: “Nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng bền vững của Trung Quốc hiện nay chưa đủ mạnh. Ví dụ nhu cầu mua hàng yếu, dư thừa năng suất trong một số ngành, niềm tin của công chúng không cao và các rủi ro tiềm ẩn kéo dài”.
Hiện tại, kinh tế Trung Quốc đang bị ghìm chặt bởi lĩnh vực bất động sản và hoạt động sản xuất hàng hóa đình trệ - các chỉ số đã giảm trong 5 tháng liên tiếp. Tăng trưởng GDP năm 2023, một phần nhờ các giải pháp kích thích của Chính phủ. Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 1/2024 dự báo, năm nay kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 4,5%, do nhu cầu tiêu dùng yếu và bất ổn địa chính trị trên thế giới.
Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân Dân trước gần 2.900 đại biểu, ông Lý nói mục tiêu 5% sẽ đạt được bằng cách tạo ra 12 triệu việc làm, tăng thu nhập đồng thời ngăn ngừa rủi ro sớm. Nhiều hỗ trợ hơn sẽ được mở rộng đến các lĩnh vực có thế mạnh, nhằm tạo việc làm cho thanh niên và cung cấp dịch vụ tốt hơn giúp họ khởi nghiệp.
Giải quyết tình trạng thiếu vốn trong các dự án lớn, ông Lý thông báo trái phiếu kho bạc đặc biệt mới sẽ được phát hành. Đầu tiên, lượng trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 141 tỷ USD) sẽ được phát hành vào năm 2024, để thực hiện các chiến lược lớn của quốc gia. Các trái phiếu có mục đích phân bổ vốn cho chính quyền địa phương sẽ có giá trị khoảng 550 tỷ USD, tăng 14 tỷ USD so với năm 2023. Trung Quốc cũng sẽ dành khoảng 110 tỷ USD để trả lãi nợ, tăng 11,9% so với năm ngoái. Các chính quyền địa phương của Trung Quốc hiện gánh nhiều nợ nần, do bất động sản - nguồn thu chính của nhiều tỉnh thành - sụt giảm suốt 3 năm qua.
Ngoài trái phiếu, khoảng 1.500 tỷ USD sẽ được chính quyền Trung ương chuyển tới các địa phương trong năm 2024, tăng 4,1% so với năm 2023. Nhiều nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ của Trung Quốc, sẽ nhận được nguồn tài chính hỗ trợ một cách hợp lý, để ổn định lộ trình phát triển, trong lúc Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện giải pháp tiền tệ thận trọng, theo cách hỗ trợ từng ưu tiên cụ thể.
Ông Carlos Casanova - nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại ngân hàng Thụy Sĩ UBP cho biết, giới đầu tư sẽ thất vọng nếu Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng dưới 5%. Họ coi mục tiêu này phản ánh lập trường và định hướng chính sách kinh tế chính thức của nền kinh tế số 2 thế giới.
Về thâm hụt ngân sách 2024, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu 3% GDP giống như năm 2023, mặc dù con số thực của năm 2023 là 3,8% sau khi Chính phủ phát hành khoảng 141 tỷ USD trái phiếu địa phương, để giúp tái thiết một số khu vực bị thiên tai tàn phá. Về giá cả hàng hóa, bất chấp tình trạng giảm phát trong 2 tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát khoảng 3%.
Bà Alicia Garcia Herrero - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty Tài chính Natixis cho biết, mục tiêu tăng trưởng 5% chứa đựng nhiều thách thức. Mặc dù mức tiêu thụ hàng hóa trong thời gian Tết Nguyên đán là đáng khích lệ, nhưng các nhà đầu tư vẫn thận trọng về tính bền vững của nền kinh tế. Các yếu tố cản trở là bất động sản ảm đạm, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường bên ngoài và bất ổn do căng thẳng địa chính trị.
Trong số các ưu tiên được đề xuất trong năm 2024, Thủ tướng Lý nói sẽ nâng cao vị thế quốc gia trong lĩnh vực xe điện, năng lượng hydro, dược phẩm và công nghiệp công nghệ cao. Tất cả hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Ông gọi đây là lực lượng sản xuất mới. Ngoài ra, danh sách lĩnh vực tiềm năng được ưu tiên phát triển, nhưng không đặt nặng vấn đề đóng góp vào tăng trưởng GDP, là công nghệ sinh học, phóng vệ tinh thương mại và vật lý lượng tử. Tất cả dường như phù hợp với chính sách tự lực của Trung Quốc, khi cuộc chiến công nghệ với Mỹ vẫn căng thẳng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa, để thu hút đầu tư nước ngoài. Vốn FDI đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm, bị ảnh hưởng bởi đất nước tỷ dân thắt chặt luật an ninh quốc gia và chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo ông Lý, rào cản thị trường trong lĩnh vực viễn thông và chăm sóc sức khỏe sẽ được nới lỏng. Mọi hạn chế tiếp cận thị trường của vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa sẽ được gỡ bỏ.
Một yếu tố quan trọng khác của nền kinh tế, là tình trạng dân số giảm. Để giải quyết tỷ lệ sinh thấp và vấn đề cơ cấu liên quan tới nhân khẩu học, Chính phủ sẽ tạo điều kiện hơn nữa thúc đẩy tỷ lệ sinh, như xem xét lại chính sách nghỉ phép của cha mẹ, xem xét lại cách chia sẻ chi phí sinh con giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Lý phát biểu một ngày sau khi có thông báo rằng, Chính phủ sẽ không tổ chức họp báo vào cuối kỳ họp Quốc hội đầu năm, phá vỡ truyền thống đã có hàng thập kỷ. Bài phát biểu của ông Lý nhấn mạnh những ưu tiên, ngắn gọn và chỉ kéo dài 50 phút. Bài phát biểu trước của người tiền nhiệm như Thủ tướng Lý Khắc Cường hay Thủ tướng Ôn Gia Bảo, thường kéo dài 2 giờ.
Theo một số nhà quan sát, báo cáo từ Thủ tướng Lý cũng thể hiện mong muốn của Trung Quốc, là nâng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, trong bối cảnh nước này gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh - đối đầu với Mỹ. Báo cáo kết thúc bằng cam kết xây dựng những mối quan hệ quốc tế kiểu mới, phản đối hành động chèn ép và đề cao sự công bằng của chủ nghĩa quốc tế.