Thời sự

TP.HCM: Doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư công nghệ điện tử, công nghệ sạch

Ý Nhi 09/03/2024 - 13:27

Thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, tầm nhìn 2030, TP.HCM tập trung nâng cao tỷ trọng FDI có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và chuyển đổi số. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit đã chia sẻ góc nhìn về mục tiêu này.

* Thưa ông, với đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), TP.HCM đang có những lợi thế gì so với các địa phương khác?

4-gabor-17063445376071106670521.jpg

- Mấy năm gần đây, kinh tế Việt Nam thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực, nhất là sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine, nhiều công ty nước ngoài đánh giá Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phù hợp để họ chuyển giao một phần chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Việt Nam đã áp dụng uyển chuyển thành công chính sách ngoại giao “cây tre” khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm. Bởi khi chọn một quốc gia nào để đầu tư, yếu tố đầu tiên họ quan tâm là an ninh, sự bền vững về kinh tế và chính trị, cũng như mối quan hệ của nước đó với các nước trong khu vực và thế giới.

Riêng TP.HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI cũng đang quan tâm tới một số lĩnh vực mới mà TP.HCM đang đặt mục tiêu phát triển như điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn... Đặc biệt là các DN châu Âu chuyên về công nghệ điện tử, công nghệ sạch… quan tâm đến chiến lược kinh tế xanh và phát triển bền vững mà TP.HCM đang nỗ lực triển khai. Các DN FDI cũng đánh giá cơ hội đang rất lớn trong mục tiếu phát triển kinh tế tuần hoàn như phân loại rác thải sinh hoạt, tăng vòng đời sản phẩm nhựa... nên mong muốn hợp tác với TP.HCM để đạt được các giải pháp bền vững tiếp theo trong các ngành công nghiệp chủ chốt cũng như chia sẻ kiến thức chuyên môn toàn cầu về mọi lĩnh vực, từ các sáng kiến quản lý chất thải đến các thiết kế tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

TP.HCM cũng đã đặt ra mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính cho cả khu vực Đông Nam Á. Đây là một chiến lược rất tuyệt vời, đúng đắn và cần thiết. Bởi trước đây, Trung tâm tài chính chủ yếu tại Hồng Kông (Trung Quốc), gần đây do chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung, rất nhiều DN trong tương lai chưa chắc sẽ có trụ sở ở Hồng Kông và sẽ có nhu cầu tìm nguồn vốn khác ở trong khu vực, nếu TP.HCM triển khai được sớm chiến lược và xây dựng trung tâm tài chính, tôi cho rằng, sẽ có nhiều DN FDI chọn TP.HCM. Như vậy, TP.HCM sẽ có một tầm ảnh hưởng và vị thế rất tốt cho việc phát triển kinh tế, sẽ thu hút rất nhiều lợi thế từ nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, tri thức…

* Điều quan ngại nhất của các DN châu Âu khi quyết định đầu tư vào TP.HCM?

- Đó là thủ tục hành chính. Hiện nay, ở các cấp cao hơn thì có nhiều cải tiến nhanh hơn nhưng ở cấp độ phường, huyện và một số địa phương, khu vực… việc thực hiện cấp phép, các giấy tờ liên quan đầu tư, kinh doanh và các thủ tục hành chính vẫn còn chậm, nhà đầu tư vẫn bị nhiều trường hợp chờ đợi do tình trạng cấp thẩm quyền ở dưới “bị kẹt”, không dám phê duyệt hoặc không hiểu hết Luật hoặc Luật chưa rõ để quyết định có nên phê duyệt hay không. Vậy nên, cần làm rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp thẩm quyền đến đâu, được quyền hạn gì ký duyệt. TP.HCM cần nỗ lực hơn việc tinh giản bộ máy hành chính để giảm bớt các quy trình nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và tương đương của địa phương, cụ thể là công việc giám sát tháo gỡ khó khăn cho bộ máy quản lý cấp dưới và có thể cho phép phê duyệt nhanh hơn thủ tục nhưng vẫn bảo đảm an toàn và minh bạch.

Một vấn đề quan ngại nữa liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cảng và cầu...và môi trường sống. TP.HCM vẫn nằm trong tình trạng ô nhiễm môi trường, vì vậy, cần có các chiến lược thực hiện để giảm thải tác động này. Ngoài ra, Thành phố cần triển khai nhanh cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, giúp Thành phố duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.

* Về mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ông nhìn nhận thế nào về thách thức Thành phố phải đối mặt và cách làm?

- Có 3 trụ cột chính của quá trình chuyển đổi số thành công. Đó là kinh doanh, công nghệ và con người. Tất cả người lao động tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quy trình hoạt động của DN đều là thành phần quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, muốn chuyển đổi số thành công đòi hỏi trình độ cao về kỹ thuật và nhân lực và phải đi từ tổng thể, từ trên xuống, vì thế đội ngũ quản lý có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao và có thể ứng dụng công nghệ số đang là vấn đề TP.HCM cần quan tâm đào tạo và đầu tư. Vấn đề then chốt là đào tạo, đa dạng hóa nguồn lực và sử dụng dịch vụ tuyển dụng chuyên nghiệp.

* Thông tin từ EuroCham cho hay, năm 2024 trở đi, việc thực hiện Net Zero tại các nước châu Âu rất khắt khe, các DN Việt Nam muốn xuất khẩu sang châu Âu rất khó, DN Việt Nam phải chuẩn bị thế nào và bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Các doanh nghiệp phải tự đánh giá công việc và khả năng của mình trước, sau đó tùy theo chiến lược và khả năng để tìm các đơn vị chuyên về tư vấn. Họ có thể đánh giá được là cái mức độ ảnh hưởng môi trường của chính công việc đó là như thế nào và những cái việc họ có thể làm được.

Tuy nhiên, các DN không nhất thiết phải chuyển đổi ngay việc sản xuất xanh hay kinh tế xanh 100% từ hôm nay hay ngày mai. Điều đó vô cùng khó nhưng phải làm sao chứng minh được từ hôm nay đến năm 2050 đang có một lộ trình thực hiện.

Cụ thể, mỗi DN sẽ phải xây dựng một chiến lược trong vòng 10 năm tới, mỗi năm sẽ giảm khí thải bao nhiêu, mỗi năm DN mình sẽ làm những việc nào để đảm bảo được và chứng minh được là có chiến lược phát triển xanh và mỗi năm phải đánh giá lại mục tiêu đó. Như vậy là các chuỗi cung ứng đến châu Âu đã chấp nhận rồi.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông.

Ý Nhi