Quốc tế

Nhật Bản thiếu nghiêm trọng kỹ sư công nghệ chip và chất bán dẫn

NP 08/03/2024 - 13:55

Tình trạng thiếu kỹ sư là thách thức lớn nhất, mà tập đoàn sản xuất chất bán dẫn PSMC của Đài Loan (Trung Quốc) phải đối mặt, khi hãng này chuẩn bị xây dựng nhà máy tại Nhật Bản. Làn sóng gần đây của các nhà sản xuất chip toàn cầu đầu tư vào Nhật Bản, dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm cuộc chiến giành nhân tài. Người đứng đầu PSMC Nhật Bản vừa cho biết như vậy.

PSMC - nhà sản xuất chip lớn thứ ba của Đài Loan và lớn thứ sáu trên thế giới, có kế hoạch đầu tư 5,3 tỷ USD xây dựng một nhà máy tại Nhật Bản, thông qua liên doanh với tập đoàn tài chính SBI Holdings. Giai đoạn sản xuất đầu tiên dự kiến bắt đầu vào năm 2027.

z5223757180758_03f2e13f27cd774f0ed95fa7c5243fa9.jpg
Ông Joe Wu, người đứng đầu PSMC Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asia

Ông Joe Wu, người đứng đầu PSMC Nhật Bản, nói với Nikkei Asia rằng, công ty đang xem xét nhiều cách khác nhau để giải quyết tình trạng thiếu kỹ sư chip. Đây là điều khó khăn nhất công ty phải đối mặt khi xây nhà máy tại Nhật.

Ông Wu trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh các công ty chất bán dẫn quốc tế tại Tokyo.

PSMC có kế hoạch cử hơn 200 kỹ sư từ Đài Loan sang Nhật Bản, đồng thời đào tạo các kỹ sư trẻ người Nhật tại Đài Loan trong vòng từ 3 đến 5 tháng, nhằm nhanh chóng bổ sung đội ngũ cho nhà máy mới.

doanh-nghiep-cong-nghe-dang-di-dau-lan-song-rut-khoi-thi-truong-trung-quoc.jpg
Nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đang khát kỹ sư về chip - Ảnh: CNN

Về lâu dài, ông Wu thảo luận đề xuất thành lập một trường học hoặc khóa học về chip tại các trường học và cơ quan chính phủ, để đào tạo sinh viên trẻ về sản xuất chất bán dẫn. Ông không bận tâm nếu sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại các công ty đối thủ của PSMC, vì đào tạo nhân tài là dự án mang tầm quốc gia và phục vụ lợi ích quốc gia.

Theo ông, tuyển dụng kỹ sư từ các quốc gia như Ấn Độ hoặc Mỹ, cũng có thể nằm trong kế hoạch. Nếu không có đủ kỹ sư ở Nhật Bản hoặc Đài Loan, khả năng cao sẽ phải tuyển dụng từ các nước khác.

Một số nhà sản xuất chip toàn cầu, như TSMC của Đài Loan, Micron của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch đầu tư vào Nhật Bản, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng địa chính trị và rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Đài Loan. Các khoản trợ cấp khổng lồ từ chính phủ Nhật Bản, cũng giúp thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, sự thiếu hụt nhân tài là một trong những thách thức lớn nhất đối với Nhật Bản, khi nước này đang tìm cách lấy lại vinh quang trước đây, là một cường quốc chip toàn cầu.

NP