8/3, tản mạn về những “Người vợ… quốc dân”
Khái niệm hy sinh, đảm đang, toàn diện với những cuộc bình bầu người phụ nữ vừa giỏi vừa có gia đình hạnh phúc thì đã quá quen thuộc trong đời sống. Có biết bao tấm gương nữ doanh nhân làm chức vụ mà tổ chức cuộc sống gia đình vẫn ấm êm hạnh phúc.
Họ đã trả lời biết bao cuộc tọa đàm câu hỏi của người dự “Chị đã làm thế nào cân bằng được cuộc sống ?”. Mà trả lời mãi vẫn chưa đủ, vẫn hỏi đến bây giờ.
Một ví dụ nhỏ, trên báo chí ở các mục tâm sự chuyện nhà hỏi đáp đã bộc lộ sự chuyển nhận thức rất nhanh trong xã hội rồi. Một ông nọ hỏi báo về chuyện nhà mình, vợ làm giám đốc công ty nên anh có vẻ… lép vế, họ hàng coi thường này nọ. Có ngay dòng “còm” (complain) của người đọc mắng anh, nghe rất… đã.
- “Sỹ vừa thôi. Anh sống với vợ con hay sống với người ngoài? Cứ làm anh chồng tốt đi đã, gia đình thương yêu vui vẻ là được”.
Một bạn đọc khác tự nhận tên Tý thì làm thơ trả lời vui, nói về thân phận mình “là cái máy vợ mua” nhưng rất hài hước :
-“Nhà Tý thì khác bạn này - Vợ mua chiếc máy có nhiều chức năng - Lau nhà rửa chén nấu ăn - Giặt đồ đi chợ lăng xăng sớm chiều - Đọc xong vợ bảo đặt điều - Làm thơ nói dóc mà nhiều người tin - Rồi khen chủ thớt có tình - Chồng hiền vợ giỏi gia đình ấm êm”….
Cho thấy, không cần nói nhiều lý thuyết bình đẳng, giỏi việc nước đảm việc nhà bị coi là “biết rồi, nói mãi”. Nhận thức xã hội đã rõ rồi, chỉ có khó là áp dụng nó thôi.
Bây giờ ngôn ngữ “mạng xã hội “ vui hơn trong diễn đạt. Sau hàng loạt phim ảnh về mẫu người “tuyệt vời” thì có ngay danh hiệu “Quốc dân”, cứ như là “Vô địch toàn quốc”, nào là “Người chồng quốc dân”, “Người vợ quốc dân”… còn mang trong nó nhiều chuyện tình vượt sóng gió, những hy sinh đáng trân trọng (có cả thất bại nhé, đâu phải lúc nào cũng thành công) .
Vừa giỏi vừa hiền lại còn… ngầu nữa. Ngôi sao giải trí Hoa ngữ Lưu Đào - hình tượng của người phụ nữ nhiều hy sinh, kiếm tiền giúp chồng đại gia lúc chồng sa cơ. Cô đẹp rạng ngời khi để mặt mộc không tỳ vết dù ở tuổi 45…. “Người vợ quốc dân “bây giờ có khi phải biết cả “Nhảy Tiktok”. Gần đây còn lan truyền hình ảnh ngôi biệt thự 70 tỷ ở Nghệ An của ông bố bán đồng nát và phụ tùng ô tô. Con gái ông lại xinh đẹp, tự lập làm công ty riêng, mới 20 tuổi đã có nhà có đất. Thế là bao chàng trai muốn được chọn cô làm vợ. Và họ gọi cô là “Người vợ quốc dân”. Đây rồi, niềm mơ ước của bao nhiêu anh chàng.
Những hiện tượng vui ấy cho thấy “Giấc mơ… vợ” chính là hình ảnh thay đổi và nỗ lực thành công của người phụ nữ hiện đại, đi tiên phong có nhiều nhất là các nữ doanh nhân.
Trên các báo chí, diễn đàn, hội thảo, họ đã cho thấy hình ảnh mới, đối lập với những “bà vợ quan lạm dụng quyền lực chồng làm quan chức “góp phần đưa chồng vào tù”… hay là không hiếm các nữ doanh nhân dính các vụ án nhiều thủ thuật mới dẫn đến vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong khi xã hội vẫn phải nỗ lực đi lên một cách khó khăn.
Biết bao câu chuyện nữ doanh nhân cân bằng được giữa công việc và cuộc sống gia đình, nuôi dạy con. Bản lĩnh mạnh mẽ doanh nhân Việt được các bà các chị các cô cho thấy rất đa dạng phong phú. Vừa trọng trách với doanh nghiệp, đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn vốn tăng trưởng hàng năm để lo cho đời sống nhân viên, vừa phải lo cho gia đình riêng của mình.
Họ có những “hy sinh” nghe khác xưa, không đánh mất mình mà tìm cách hợp lý. Từ việc nhỏ như bớt chơi tennis tuần 3 buổi, tập thể dục buổi sáng bù vào những khi quá bận. Họ mạnh cỡ nào cũng cần sự sẻ chia. Đã hình thành một thế hệ người vợ mới mẻ xưa chưa nghe: “Những phụ nữ tiên phong”, những nghề nghiệp mới, kỹ năng mới như: “Sáng tạo đột phá”, “Truyền cảm hứng”, “Ngôi sao mới”…
Việt Nam đã có những nữ doanh nhân khởi nghiệp từ nền tảng AI…Câu bạn đọc hỏi họ trong cuộc giao lưu sẽ vẫn luôn là “Giữ hạnh phúc thế nào, dạy con thế nào trong bận rộn “cân bằng thế nào giữa sự nghiệp và gia đình”… Có vẻ như câu hỏi bất biến.
Nhưng trong đời sống đã và sẽ cho chúng ta hình ảnh hạnh phúc về “Người vợ quốc dân - Người chị - Người mẹ - Người em gái quốc dân” - cái tên vui và khen ngợi, dù không phải danh hiệu đem ra thi thố bình chọn.