Văn hóa nghệ thuật

Chung tay lan toả di sản văn hóa

Lê Hạnh 07/03/2024 21:00

Đó là thông điệp của chuỗi sự kiện “TP.HCM - di sản - kết nối” vừa khai mạc sáng 7/3 tại iVietnam Business Center.

Sự kiện quy tụ các chuyên gia, nghệ nhân, các nhà quản lý ngôi nhà di sản, đại diện các hiệp hội, câu lạc bộ, trường đại học, các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu quốc gia có lịch sử bảo tồn truyền thống lâu đời và xuất khẩu sản phẩm thuần Việt.

Chuỗi sự kiện “TP.HCM - Di sản - Kết nối” do Câu lạc bộ (CLB) Di sản áo dài Việt Nam (thành viên Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản Văn hóa Việt Nam) tổ chức từ 7-17/3 nhằm tôn vinh các di sản văn hóa tinh thần Việt Nam và tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân yêu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tìm hiểu về hoạt động di sản kết nối. Sự kiện có các chương trình, các buổi thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp để tôn vinh các di sản văn hóa, giá trị thương hiệu Việt, bảo tồn các giá trị truyền thống và xây dựng đội ngũ kế thừa.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch CLB Di sản áo dài Việt Nam, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản Văn hóa Việt Nam cám ơn những cá nhân yêu quý, muốn quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa Việt Nam đến cộng đồng trong nước và quốc tế. Bà cho biết chuỗi sự kiện Di sản - Kết nối có rất nhiều hoạt động thu hút cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng du lịch di sản đồng hành. Qua đó, góp một phần thiết thực vào chuỗi sự kiện quảng bá áo dài Việt Nam tại TP.HCM và các dự án khác của Thành phố như “Đánh thức rồng xanh”.

ld4_8298.jpeg
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (thứ hai từ phải sang) tằng bộ sưu tập tranh cho CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại TP.HCM

Sở hữu bộ sưu tập hơn 200 bức ảnh chủ đề “Di sản quanh ta”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm đã tặng lại bộ ảnh cho CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại TP.HCM để triển lãm phục vụ khách tham quan tại iVietnam Business Center.

TS. Nguyễn Khắc Thuần - Viện trưởng Viện nghiên cứu trang phục Việt, Trưởng ban cố vấn CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại TP.HCM cho rằng sự ra đời của CLB đã đáp ứng sâu sắc và rộng rãi nhu cầu của cộng đồng. Theo ông, điều quan trọng là cần có phương pháp phù hợp để bảo vệ, quảng bá di sản, trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là di sản áo dài. Ông cũng mong muốn các nhà nghiên cứu khác hãy ủng hộ để CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại TP.HCM có thể lan tỏa những giá trị mang tầm quốc gia và vươn ra thế giới.

ld4_8166.jpeg
Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia, nghệ nhân, các nhà quản lý ngôi nhà di sản, đại diện các hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nhân...

Trong khi đó, bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM nhận định, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Lễ hội Áo dài và hiện đã được 10 năm. Đặc biệt, Thành phố cũng có Bảo tàng Áo dài, đó là niềm vui, tự hào của TP.HCM. Bà cho biết, di sản văn hóa phi vật thể ở đâu cũng có, bàng bạc trong đời sống của người Việt từ ngàn đời nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối: “Làm di sản mà không nghĩ chuyện kết nối sẽ không làm được gì”.

Chia sẻ về việc góp phần quảng bá di sản áo dài, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, từ năm 2022, Tạp chí đã thực hiện chương trình xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ 11 của TP.HCM. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm việc duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có áo dài. “Nếu đi dự các sự kiện quốc tế, chỉ cần thấy một doanh nhân mặc áo dài thì chúng ta đều có thể nhận ra đó là doanh nhân Việt Nam hoặc có tình yêu đặc biệt với Việt Nam. Do đó, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có những chương trình truyền thông khuyến khích nam doanh nhân mặc áo dài, phối hợp với Bảo tàng Áo dài tổ chức tọa đàm - triển lãm "Doanh nhân với áo dài truyền thống", trưng bày áo dài của 8 doanh nhân nổi tiếng TP.HCM”.

ld4_8502.jpeg
Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đề xuất triết lý “thương đức” của Lương Văn Can là một di sản cần được bảo tồn, phát huy

Bên cạnh di sản áo dài, ông Trần Hoàng cũng chia sẻ về triết lý “thương đức” của danh nhân Lương Văn Can, trong đó, quan trọng nhất là tư tưởng “bình tâm công đạo”, tức kinh doanh sao cho cân bằng giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, vừa thu lợi cho mình vừa làm lợi cho người. Đó là con đường kinh doanh bền vững và thành công bền vững. Ông nhấn mạnh, nội hàm “thương đức” của Lương Văn Can không những tương đồng mà còn cao hơn “trách nhiệm xã hội” ngày nay. Đồng thời, đề xuất triết lý “thương đức” của Lương Văn Can là một di sản cần được bảo tồn, phát huy. Ông cũng cho biết Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có kế hoạch phối hợp với Trung tâm UNESCO và các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi các hội thảo, tọa đàm về Lương Văn Can nhân kỷ niệm 170 năm ngày sinh của cụ (1854 - 2024).

ld4_8522.jpeg
Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tặng bức tranh cách ngôn Lương Văn Can cho Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản Văn hóa Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm tin tưởng những ý tưởng, kế hoạch mà Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đang triển khai sẽ thành công tốt đẹp. Bà đề nghị Hội Di sản văn hóa TP.HCM và Ban cố vấn CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại TP.HCM cần có trách nhiệm, quan tâm để có lộ trình quảng bá những nhân vật như Lương Văn Can. Đồng thời, cho biết thông qua CLB Di sản áo dài Việt Nam tại TP.HCM, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản Văn hóa Việt Nam sẽ kết nối, có những hoạt động hợp tác với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trong thời gian tới.

ld4_8753.jpeg
Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin đề xuất viên gạch truyền thống Secoin có lịch sử 114 năm là di sản văn hóa

Trong khuôn khổ sự kiện, CLB Di sản áo dài Việt Nam đã ra mắt Ban Di sản - Kết nối do bà Phùng Thị Thu Thủy - Chủ tịch CLB Di sản áo dài Việt Nam tại TP.HCM làm trưởng ban. Bà Thủy mong muốn các cá nhân, tổ chức cùng ủng hộ, chung tay với dự án Di sản - Kết nối lan tỏa di sản xung quanh đến mọi người, mọi nhà. Qua đó, có thêm nhiều kết nối, không chỉ của TP.HCM mà cả Việt Nam và quốc tế. Bà nhấn mạnh, những hoạt động của CLB không chỉ trong phạm vi áo dài mà từ di sản áo dài, kết nối ra các hoạt động khác hướng đến thành lập mạng lưới di sản kết nối trong ngày 23/11 (ngày Di sản văn hóa Việt Nam).

ld4_8658.jpeg
CLB Di sản áo dài Việt Nam ra mắt Ban Di sản - Kết nối do bà Phùng Thị Thu Thủy (thứ hai từ trái sang) làm trưởng ban

CLB Di sản áo dài Việt Nam là thành viên của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa VN được thành lập 12/2022, có trọng trách tôn vinh giá trị di sản áo dài Việt Nam đến cộng đồng trong nước và quốc tế; kết nối các di sản được Nhà nước và UNESCO công nhận là văn hóa vật thể và phi vật thể để hỗ trợ quảng bá du lịch di sản văn hóa. Hiện, CLB đã có mạng lưới tại TP.HCM và các tỉnh Đăk Lăk, Bình Phước, Phú Thọ, Thái Nguyên… Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đề xuất thành lập CLB tại Pháp và sắp tới, CLB cũng sẽ mở rộng mạng lưới đến các thành phố tại Nhật Bản.

Một số hoạt động trong chuỗi sự kiện “TP.HCM - Di sản - Kết nối”:

- Triển lãm bộ sưu tập ảnh nghệ thuật "Di sản quanh ta" tại iVietnam Business Center (38 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) từ ngày 7 đến 17/3.

- Chiều 8/3: Giao lưu với nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn về sách Bùi Xuân Phái và triển lãm bộ sưu tập của danh họa Bùi Xuân Phái tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TP.HCM.

- Ngày 9/3:

+ Thưởng thức hội họa, âm nhạc và ẩm thực truyền thống tại Nguyen's Art Garden (TP. Thủ Đức, TP.HCM).

+ Tham quan các gian hàng của Bảo tàng Áo dài và giao lưu tại Lễ hội Việt - Nhật (công viên 23/9, quận 1, TP.HCM).

- Ngày 16/3: Triển lãm các tác phẩm đặc sắc của Bảo tàng nghệ thuật Quang San (TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Lê Hạnh