Quốc tế

Malaysia khởi động lại dự án tàu điện cao tốc chiến lược

VP 08/03/2024 07:00

Malaysia đang khôi phục lại kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này, nối thủ đô Kuala Lumpur với nước láng giềng Singapore, sau khi Chính phủ hai nước không đạt được thỏa thuận về phiên bản trước của dự án.

Theo 1 số nguồn tin, những hồ sơ dự thầu đã được gửi đến, bao gồm Công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước (China Railway Construction); Hyundai Rotem của Hàn Quốc, một đơn vị của Hyundai Motor tập trung vào đường sắt và quốc phòng; và các tập đoàn địa phương của Malaysia như MMC, Gamuda, YTL, WCT Holdings và Berjaya.

z5223777737718_93324099578b9e7d29893463195765f9.jpg
Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến của Malaysia - Ảnh: MalayMail

MyHSR - cơ quan thuộc sở hữu của Chính phủ đứng đầu dự án, từ chối nêu tên các công ty dự thầu.

Các nguồn tin cho biết, MyHSR sẽ đưa vào danh sách rút gọn từ 3 đến 4 tập đoàn, sớm nhất là trong tháng này, và trình bày với nội các. Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ trình đề xuất với Singapore trong vài tháng tới, để xác định xem nước láng giềng có muốn tham gia dự án hay không.

Một quan chức Malaysia nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi muốn hoàn tất các hồ sơ càng nhanh càng tốt, hy vọng là trong vòng 3 đến 4 tháng tới”.

Tháng 8/2023, Singapore cho biết họ sẵn sàng thảo luận về bất kỳ đề xuất mới nào từ Malaysia. Quyền Bộ trưởng Giao thông Singapore lúc đó là ông Chee Hong Tat nói trước quốc hội như vậy. Khi đấy, Singapore chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào từ nước láng giềng.

Kế hoạch khôi phục dự án được đưa ra, khi Malaysia có động lực tăng cường hệ thống giao thông, và muốn đưa bang Johor ở miền Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực. Chính phủ đã ký một biên bản ghi nhớ với Singapore vào tháng 1/2024, để cùng phát triển một đặc khu kinh tế tại đây, như động lực tăng trưởng mới.

Quốc vương Ibrahim của Johor, người trở thành tân vương của Malaysia vào tháng 1/2024 cho biết, ông muốn khôi phục dự án.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết, Chính phủ sẽ không cấp vốn cho dự án, thay vào đó tìm kiếm các nguồn từ khu vực tư nhân.

Dự án đường sắt cao tốc nối với Singapore lần đầu tiên được phác họa vào năm 2013, dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak. Tuyến đường dài 350 km, đạt thỏa thuận vào năm 2016 và dự kiến thông xe vào năm 2026, sẽ giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố còn khoảng 90 phút, so với hơn 4 giờ đi bằng ô tô như hiện nay.

Tuyến đường sắt cao tốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, cũng như phát triển các khu vực nó đi qua. Malaysia-Singapore có quan hệ kinh tế chặt chẽ, với tuyến đường hàng không nối Singapore và Kuala Lumpur, là một trong những tuyến đường bận rộn nhất thế giới.

Tuy nhiên, dự án đã bị chậm trễ nhiều lần, do chi phí leo thang và kế hoạch thay đổi. Dự án cuối cùng bị hủy bỏ năm 2021, sau khi Malaysia và Singapore không đạt được thỏa thuận. Malaysia đã trả hơn 74 triệu USD để bồi thường cho Singapore, vì chấm dứt hợp đồng.

Phiên bản mới của dự án được đưa ra, trong bối cảnh các tuyến đường sắt cao tốc mới ở Đông Nam Á được xây dựng nhộn nhịp. Tháng 10/2023, Indonesia chính thức khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trong khu vực, nối Jakarta và Bandung dài 140 km, giúp thời gian di chuyển giữa 2 địa điểm còn chưa đầy 1 giờ. Tuyến đường trị giá hơn 7 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, tuyến đường của Malaysia có thể cần 25 tỷ USD, đây là 1 trở ngại không nhỏ.

Ông Adib Zalkapli, giám đốc công ty tư vấn BowerGroupAsia cho biết, dự án này rất tham vọng và tốn kém, sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ vốn mạnh mẽ của Chính phủ, dẫu tình hình đang khó khăn.

Để củng cố sự ổn định tài chính, Malaysia tháng 10/2023 đã thông qua luật nhằm hạn chế nợ công ở mức 60% tổng sản phẩm quốc nội. Nợ công của nước này tính đến tháng 12/2023 đã lên tới 315 tỷ USD, tương đương hơn 80% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu trên.

VP