Trong nước

Bộ Công Thương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Nguyễn An 05/03/2024 - 16:48

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ đang triển khai một số chính sách nhằm đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng xuất khẩu trong năm 2024.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu giải pháp ứng phó cũng như thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu về diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp và định hướng tìm kiếm đơn hàng từ thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường nước ngoài thông qua việc duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại. Qua đó, Bộ sẽ chủ động kịp thời cung cấp đến doanh nghiệp các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đồng thời, Bộ sẽ khuyến nghị với địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu về những thuận lợi và rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

xnk.jpg
Bộ Công Thương sẽ chủ động theo dõi, cung cấp thông tin thị trường nước ngoài kịp thời đến doanh nghiệp xuất khẩu

Cũng trong năm 2024, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Bộ Công Thương sẽ triển khai đa dạng các hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại cũng là một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong năm nay. Trong đó, tập trung cao nhất vào chương trình chuyển đổi số để xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, Bộ cho biết sẽ thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất đến các đơn vị liên quan trong văn bản, quy định liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu do Chính phủ ban hành. Qua đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

un-tac.jpeg
Dịch vụ logistics được Bộ Công thương chú trọng đầu tư phát triển trong năm 2024

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị chú trọng phát triển dịch vụ logistics nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được vận chuyển, lưu giữ với khối lượng lớn và chất lượng tốt nhất tại các kho bãi, cảng quốc tế...

Đối với hoạt động phát triển thương mại biên giới bền vững, Bộ Công Thương cho biết sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới thông qua hình thức chính ngạch. Đồng thời, triển khai điều hành, khai thông hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp sang Trung Quốc.

Những dự báo của các chuyên gia về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2024, cùng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của Bộ Công Thương sẽ tạo nên động lực rất lớn cho doanh nghiệp, không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các thị trường quốc tế mà còn kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng về lợi thế và rủi ro của hoạt động xuất khẩu Việt Nam tại nước ngoài.

Năm 2023, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực khi ghi nhận một số nhóm hàng có mức tăng trưởng vượt bậc như gạo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3%; xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7%. Ngoài ra, một số mặt hàng phục hồi tích cực như sắt thép đạt 8,4 tỷ USD, tăng 4,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Nguyễn An