Hàng loạt dự án được đề xuất đầu tư tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP.HCM
Củ Chi và Hóc Môn là 2 địa phương tại TP.HCM nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn với hàng loạt đề xuất dự án đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
Các nhà đầu tư chọn 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn triển khai các dự án đầu tư xuất phát từ nhiều yếu tố quan trọng. Đầu tiên là quỹ đất để phát triển các dự án tại đây còn rất lớn, đa phần là đất nông nghiệp, nên sẽ tiết kiệm được chi phí đền bù so với trong nội thành.
Tiếp đó là khoảng cách địa lý thuận lợi khi quãng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Củ Chi và Hóc Môn chỉ khoảng 15 - 20km. Cùng với đó, các huyện này đều nằm ở vị trí cửa ngõ TP.HCM lưu thông đi các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và sang Campuchia.
Đặc biệt, 2 địa phương này còn có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng đang được thi công và chuẩn bị được đầu tư, gồm đường Vành đai 3 TP.HCM (đang thi công); đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (đang nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công năm 2025); Dự án mở rộng Quốc lộ 22 nối với tỉnh Tây Ninh (hiện có 3 nhà đầu tư quan tâm). Vì vậy, sau khi các dự án hạ tầng này hoàn thành, việc di chuyển từ Hóc Môn, Củ Chi đến các tỉnh lân cận và Campuchia sẽ không còn trở ngại.
Ngoài ra, TP.HCM còn đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Nhiều trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ Thành phố - nơi có quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông người lao động và tăng mật độ dân số sẽ sớm được triển khai xây dựng. Trong đó, huyện Hóc Môn, Củ Chi được quy hoạch là thành phố phía Bắc.
Từ những thuận lợi trên, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy tiềm năng phát triển tại Củ Chi và Hóc Môn trong tương lai. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, từ đó đưa ra hàng loạt đề xuất đầu tư cho 2 địa phương này.
Gần đây nhất, Công ty TNHH DS Partners (Hàn Quốc) đã gửi văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án sân golf với diện tích 80ha sau khi hoàn thành nghiên cứu, khảo sát bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn làm nơi triển khai xây dựng dự án.
Công ty Finc Bio-Tech Pte.Ltd (Singapore) cũng vừa đề xuất đầu tư nhà máy trồng nấm tại huyện Củ Chi, với vốn đầu tư 33 triệu USD. Ngoài ra, dự án còn thực hiện các chức năng là Trung tâm lưu trữ các giống nấm ăn và Trung tâm nghiên cứu và phát triển các giống nấm ăn.
Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài, Củ Chi và Hóc Môn còn thu hút các nhà đầu tư trong nước. Cuối năm 2023, Công ty CP Tập đoàn CEO đã đề xuất UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp báo cáo ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị quy mô 215ha, tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn hoặc Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam đã đề xuất dự án đô thị có quy mô lên đến 880ha, tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 4/2022, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn, có đến 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 430 triệu USD được trao chứng nhận đăng ký đầu tư tại 2 địa phương này. Ngoài ra, có 31 biên bản ghi nhớ với tổng vốn hơn 16,2 tỷ USD cũng được các doanh nghiệp cam kết đầu tư.