Quốc tế

Mỹ nhờ Nhật Bản và Hàn Quốc hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu

NP 05/03/2024 11:00

Thời gian qua, để theo kịp tốc độ đóng tàu của hải quân Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách mở lại những nhà máy đã đóng cửa, với sự giúp đỡ về vốn, kỹ sư cũng như chuyên môn từ châu Á.

Tuần trước, Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro đã đến thăm hai nhà máy đóng tàu ở Hàn Quốc và một ở Nhật Bản, trình bày tại mỗi điểm dừng chân về ý tưởng mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào dự án hồi sinh những nhà máy đã dừng hoạt động ở Mỹ.

bo-truong-hai-quan-carlos-del-toro-trong-chuyen-tham-nhat-ban-moi-day-anh-twitter.jpg
Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây - Ảnh: Twitter

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel, người đi cùng ông Del Toro tới xưởng đóng tàu của Mitsubishi Heavy Industries ở Yokohama, nói với Nikkei Asia rằng, chuyến thăm có mục đích kép: Kiểm tra công việc sửa chữa tàu chở dầu USNS Big Horn và đánh giá sự quan tâm của các công ty Nhật Bản, trong việc đầu tư vào một nhà máy đóng tàu ở Mỹ đã đóng cửa.

Ông Emanuel nói tiếp: “Có một nhà máy đã đóng cửa ở Philadelphia. Có một xưởng đóng tàu của hải quân đã đóng cửa ở Long Beach. Và có một vài nhà máy khác đã không còn hoạt động. Chúng tôi muốn xem liệu Mitsubishi và các công ty Nhật Bản khác có quan tâm đến khả năng đầu tư, làm hồi sinh một trong những nhà máy đóng tàu đó, và tham gia đóng tàu hải quân, thương mại và cảnh sát biển hay không?”

Ông Emanuel ủng hộ sử dụng các xưởng đóng tàu tư nhân của Nhật Bản, để tiến hành bảo trì, sửa chữa và đại tu tàu chiến Mỹ. Ban đầu sẽ áp dụng cho các tàu được triển khai tới Nhật Bản, sau đó mở rộng sang các tàu khác. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho các tàu không cần phải quay về Mỹ, cũng như giảm áp lực cho các nhà máy đóng tàu ở Mỹ đang sản xuất những con tàu mới.

Ngoài Nhật Bản, Bộ trưởng Del Toro cũng đến thăm nhà máy đóng tàu của Hyundai Heavy Industries ở Hàn Quốc. Đây là nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới. Tiếp theo ông đến nhà máy đóng tàu của Hanwha Ocean trên đảo Geoje.

Cả hai chuyến thăm, đều do CEO của công ty chủ nhà giới thiệu. Các công ty đóng tàu trên bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến việc thành lập công ty con ở Mỹ, và đầu tư vào các nhà máy đóng tàu đang ngưng hoạt động ở Mỹ.

Có rất nhiều địa điểm đóng tàu trước đây trên khắp Hoa Kỳ. Phần lớn còn nguyên vẹn nhưng không hoạt động. Nay là thời điểm chín muồi để tái khởi động, nhằm đóng cả tàu chiến lẫn tàu thương mại, như tàu khu trục Aegis hay tàu chở khí amoniac.

Bộ trưởng Del Toro nói tại Hàn Quốc

Tuy vậy, thông cáo báo chí của hai công ty Hàn Quốc, lại tập trung vào cơ hội cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu chiến Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Del Toro thông báo, ông sẽ tiếp đón các CEO công ty đóng tàu Hàn Quốc tại văn phòng của mình ở Lầu Năm Góc, để tiếp tục đàm phán trong những tuần tới.

Được biết, quy mô hiện nay của Hải quân Mỹ, cả tàu mặt nước lẫn tàu ngầm, chưa đến 300 chiếc, ít hơn so với lực lượng hải quân Trung Quốc. Hiện nay tốc độ đóng mới các tàu cho hải quân Mỹ cũng được đánh giá là chậm. Ngành công nghiệp này, cả công và tư, đang chật vật để thuê đủ công nhân và đảm bảo nguồn cung ứng nguyên vật liệu.

NP