Quốc tế

Kinh tế không gian và dịch vụ phóng vệ tinh của Nga sụt giảm kỷ lục

VP 04/03/2024 14:00

Nga từng dẫn đầu trong lĩnh vực phóng vệ tinh lên quỹ đạo, nhưng theo nhiều báo cáo, nước này đang tụt lại nhanh chóng so với các đối thủ mới nổi khác.

Theo Nikkei Asia, tổng số đơn đặt hàng phóng vệ tinh của Nga và châu Âu đã giảm khoảng 90% từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Điều này làm cho Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên không gian. Các nước có quy mô nhỏ hơn, như Ấn Độ hoặc Trung Quốc, cũng đang chạy đua để mở rộng sự hiện diện.

tau-vu-tru-soyuz-cua-nga-anh-stirworld.jpg
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga - Ảnh: STIRworld

Các nước châu Âu từng dựa vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để phóng vệ tinh, nhưng bắt đầu giữ khoảng cách sau cuộc chiến Ukraine. Ví dụ Nga đã phóng 35 vệ tinh cho Anh và các nước khác năm 2021, nhưng con số giảm xuống còn 2 vào năm 2022 và 3 vào năm 2023.

Sự đi xuống của Nga với tư cách siêu cường khám phá không gian, còn thể hiện ở lĩnh vực khác. Tàu vũ trụ chở hàng của Nga cho Trạm không gian quốc tế (ISS) đã bị rò rỉ chất làm mát năm 2022. Năm 2023, sứ mệnh thám hiểm mặt trăng của nước này sau nửa thế kỷ đã kết thúc thất bại, khi tàu đổ bộ không người lái đâm xuống bề mặt và mất tín hiệu.

Nga cũng phải đương đầu với khó khăn tài chính. Doanh thu của Roscosmos giảm xuống còn 113,7 triệu USD năm 2021, từ mức 400 triệu USD năm 2018. Cơ quan vũ trụ này dường như đã khó khăn hơn, khi nhu cầu về phóng vệ tinh - nguồn ngoại tệ chính, giảm không phanh trong 2 năm qua.

Nhiều quốc gia đang mong muốn lấp chỗ trống của Nga. Ấn Độ đã phóng 46 vệ tinh cho khách hàng nước ngoài vào năm 2023, tăng gấp ba so với năm 2021. Số lần phóng vệ tinh hàng năm của Trung Quốc cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

SpaceX - nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh do tỷ phú Elon Musk thành lập, đã gần như chiếm được thị trường vệ tinh liên lạc, giúp Hoa Kỳ củng cố vị thế là siêu cường duy nhất trong không gian.

Hiện nay, ít nhất 100 điểm phóng vệ tinh lên không gian đang được xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng khắp thế giới, để đáp ứng nhu cầu được dự báo sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Theo Euroconsult, thị trường dịch vụ trên không gian toàn cầu, trừ các chuyến bay có người lái, có thể tăng từ 12,2 tỷ USD năm 2023 lên 15,8 tỷ USD trong những năm tới.

VP