Đời thường

Những người gìn giữ “dòng kênh xanh”

Ngọc Ánh Như 03/03/2024 - 12:59

Sài Gòn Xanh thành lập vào tháng 12/2022. Những hoạt động của nhóm bạn trẻ Sài Gòn Xanh đã gây sự chú ý, thu hút hàng triệu lượt theo dõi và phản hồi tích cực từ người dân TP.HCM và cộng đồng mạng xã hội.

39-dong-kenh-4.jpg

Khởi nguồn cho hoạt động ý nghĩa này là từ tình yêu với Sài Gòn - TP.HCM nghĩa tình, nơi đã cho họ rất nhiều thứ. Anh Nguyễn Lương Ngọc - người sáng lập Sài Gòn Xanh cho biết: “Trên phim ảnh TP.HCM trông đẹp đẽ và lung linh. Nhưng khi đặt chân đến đây, tôi mới thấy Thành phố có nhiều kênh rạch bị ô nhiễm. Ý tưởng vớt rác trên kênh rạch và thực hiện các video tuyên truyền về bảo vệ môi trường của nhóm Sài Gòn Xanh được truyền cảm hứng từ nhóm Padawara ở Indonesia”.

Anh Ngọc chia sẻ thêm, bản thân anh và các “đồng đội” luôn nỗ lực hết mình để dọn dẹp các kênh rạch bị ô nhiễm. Nhóm luôn phân chia công việc và nhiệm vụ rõ ràng để đạt hiệu quả tối đa trong mỗi lần “ra quân”. Thời gian đầu đội chỉ có 2 thành viên, sau 1 tháng lên 5 thành viên, dần dần hình ảnh “biệt đội xanh” được nhiều người biết đến. Theo thông tin nhóm cung cấp, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, số lượng thành viên lên đến 1.000 người.

39-dong-kenh-2.jpg

Hoạt động của nhóm thường diễn ra vào các ngày thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật hằng tuần. Vào những ngày này, các thành viên bắt đầu công việc dọn rác từ 6 giờ 30. Mọi người làm việc khẩn trương và kết thúc phần công việc của mình khoảng 1 giờ sau đó để kịp giờ đi làm, đi học…

Để hoàn thành nhanh chóng, mỗi thành viên trong nhóm đảm nhận một phần việc cụ thể và họ làm việc hài hòa, chuyên nghiệp, phù hợp với sức khỏe của mỗi người. Có người đảm nhận việc lấy rác, người khác đào đất, người kéo rác ra khỏi kênh và có người đảm nhận việc vận chuyển rác đến nơi tập kết.

39-dong-kenh-3.jpg

Những thành viên khi tham gia vớt rác tại các kênh rạch đều được trang bị đồ bảo hộ. Thời gian đầu khi mới bắt đầu công việc, các thành viên trong nhóm gặp không ít tác động ảnh hưởng đến sức khỏe, bởi môi trường hôi thối, nhiều vi khuẩn độc hại. Trong quá trình thu gom rác, cũng gặp nhiều nguy hiểm như mảnh sành, kim tiêm, hóa chất dễ gây bỏng da, dị ứng da, hô hấp…

Sinh viên Hồng Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên em tham gia hoạt động này cùng các anh chị Sài Gòn Xanh. Tuy sợ bẩn và biết việc dọn rác là việc nặng nề với con gái, nhưng được mọi người hỗ trợ lẫn nhau, tiếp sức cho nhau thì việc hóa nhẹ nhàng”.

Slogan của nhóm Sài Gòn Xanh là “Nhặt rác để sống khác”. Với họ việc nhặt rác không chỉ đơn thuần là bảo vệ môi trường mà nó còn thể hiện một lý tưởng sống khác chính là “Yêu màu xanh”, mong muốn trả lại “Lá phổi xanh” cho môi trường.

39-dong-kenh-1.jpg

Chia sẻ thêm về slogan của nhóm, anh Hồ Văn Vĩ - đồng sáng lập Sài Gòn Xanh cho biết, mục tiêu của chúng tôi không chỉ dọn sạch các kênh rạch mà còn muốn cho nhiều người thấy chúng ta cần làm gì đó cho môi trường, xã hội. Chúng tôi thấy vui vì hành động của mình có người hưởng ứng, đồng tình và thậm chí họ hứa sẽ không xả rác bừa bãi...”.

Thời gian đầu sau khi dọn sạch kênh thì 1-2 tháng sau quay lại rác thải vẫn có nhưng không nhiều. Nhóm vẫn tiếp tục công việc dọn sạch một lần nữa nhưng đến lần thứ 3, thứ 4 quay lại thì dòng kênh sạch sẽ và không còn những hình ảnh rác thải trôi bập bềnh.

Ở Việt Nam có rất nhiều hoạt động cũng như các tổ chức được thành lập với mục đích bảo vệ môi trường. Nhưng hầu hết đều diễn ra theo kiểu phong trào, không dài lâu nên vì vậy người dân chưa kịp hình thành một lối phong cách sống không xả rác thì các hoạt động này đã biến mất.

Từ khi các hội nhóm bảo vệ môi trường xuất hiện và duy trì tần suất hoạt động, thì nhiều bạn có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, hoa hậu cũng cùng nhau chung sức lan toả thông điệp này, dần dần các bạn trong đội tình nguyện thì thấy yêu việc dọn rác. Người đứng trên bờ, người xem các hoạt động vệ sinh này thông qua các kênh mạng xã hội lại thấy tôn trọng người làm sạch môi trường, họ thấy công việc này rất cực và ý thưc hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 1000 thành viên tham gia vào hoạt động tình nguyện, hơn 2000 tấn rác được thu gom, hơn 150 con kênh được giải cứu và kênh TikTok Sài Gòn Xanh cũng đạt 2,8 triệu lượt theo dõi. Sài Gòn Xanh sẽ là nơi luôn duy trì hoạt động bảo vệ môi trường này vì biệt đội không nghĩ việc dọn rác của mình sẽ khiến xã hội xem đây là điều hiển nhiên và trở nên ỷ lại, vô tâm. Nhóm tin rằng khi một người thay đổi sẽ làm một gia đình thay đổi. Một gia đình thay đổi sẽ làm một cộng đồng nhỏ tại phố phường thay đổi… rồi đất nước sẽ “xanh - sạch - đẹp”. Nên việc xây dựng ý thức này là trách nhiệm của tất cả mọi người không chỉ riêng của Sài Gòn Xanh. Chúng ta sẽ làm được từ những điều nhỏ nhất!

Sắp tới, nhóm Sài Gòn Xanh sẽ thực hiện thêm các việc như trồng cây, xử lý pin, xóa những bức tường bị xịt sơn... giúp tăng vẻ đẹp của Thành phố. Đặc biệt là phát triển dự án phao chắn rác, ngăn chặn lượng rác thải đổ ra sông, ra biển. Và biệt đội sẽ tiếp tục cuộc hành trình bảo vệ “Lá phổi xanh” cho môi trường Việt Nam, không chỉ tiến hành dọn rác, khơi thông các kênh rạch tại TP.HCM, nhóm còn dự định tiến hành công việc tương tự tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Ngọc Ánh Như