Văn hóa nghệ thuật

Phim “Mai” thắng kép

Châu Quang Phước 01/03/2024 - 13:14

Mùa phim Tết 2024, thông tin về doanh thu phòng vé đạt được từ phim “Mai” càng lúc càng gây choáng với dư luận.

Thật vậy, chẳng những sớm vượt mặt kỷ lục về tốc độ doanh thu những ngày đầu công chiếu với các phim Việt trước đó cũng từ “chính chủ” Trấn Thành là phim “Nhà bà Nữ” (phát hành năm 2023, doanh thu 475 tỷ đồng) và “Bố già” (năm 2021, doanh thu 427 tỷ đồng); phim “Mai” năm 2024 của nhà làm phim - nghệ sĩ Trấn Thành tiếp tục tạo mốc kỷ lục, xác lập kỷ lục làm phim có “doanh thu nghìn tỷ”, kể từ lúc phim “Mai” vượt ngưỡng doanh thu 200 tỷ.

dao-dien-tran-thanh-dang-trao-doi-voi-dien-vien-nu-chinh-phuong-anh-dao-va-cac-ban-dien-trong-boi-canh-phim-mai-..jpg
Trấn Thành đang trao đổi với diễn viên Phương Anh Đào và các bạn diễn, trong bối cảnh phim “Mai”
nha-lam-phim-tran-thanh-va-dao-dien-hinh-anh-kiem-vai-tro-phat-trien-kich-ban-diep-the-vinh-tren-phim-truong-phim-mai-..jpg
Nhà làm phim Trấn Thành và đạo diễn hình ảnh (kiêm vai trò phát triển kịch bản) Diệp Thế Vinh, trên phim trường phim “Mai”

Trước đó, điện ảnh Việt từng có trường hợp tạo đột phá gây choáng ở phòng vé phim Việt, đó là phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn, phát hành năm 2017 với mức tổng doanh thu đạt 169 tỷ đồng trên “sân nhà”, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, tại thời điểm ấy, vượt qua doanh thu phim “bom tấn” ngoại nhập phát hành trước đó tại Việt Nam, là “Kong: Skull Island” (doanh thu tại Việt Nam là 168 tỷ) và “Fast & Furious 8” (doanh thu tại Việt Nam là 157 tỷ), trong cùng năm.

Tuy nhiên, thành công phòng vé của “Em chưa 18”, trên thực tế vẫn chỉ là trường hợp thành công đơn lẻ của phim Việt chiếu rạp, vốn dĩ có phần ngẫu nhiên. Đến năm 2019 thì kỷ lục phòng vé này bị “soán ngôi” với phim “Hai Phượng” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân doanh thu 200 tỷ đồng, “Mắt biếc” (đạo diễn Victor Vũ), “Cua lại vợ bầu” (đạo diễn Nhất Trung, năm 2019, doanh thu 191 tỷ); “Tiệc trăng máu” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, năm 2020, doanh thu 175 tỷ); “Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh” (đạo diễn Lý Hải, năm 2023, doanh thu 273 tỷ)… nhưng vẫn chỉ là các trường hợp thành công đơn lẻ, không phụ thuộc vào thể loại phim hoặc với nhà làm phim riêng biệt nào của điện ảnh Việt.

Đến “thời đại” của “phim Trấn Thành”, với 3 phim liên tiếp lập kỷ lục đứng đầu toàn ngành phim Việt lần lượt theo từng năm 2021, 2023 và 2024 thì dư luận truyền thông và giới làm nghề cùng giới đầu tư bắt đầu nỗ lực tìm kiếm “công thức” thành công phòng vé cho phim Việt thông qua việc mổ xẻ trường hợp làm phim với đạo diễn kiểu “tay ngang” Trấn Thành.

Có thể thấy, công thức các phim của Trấn Thành tính đến thời điểm này đều có câu chuyện với hơi thở đời sống người Việt rất sát sườn, chủ yếu là với bối cảnh thị dân nghèo. Cách kể chuyện phim cùng “điểm chạm” với khán giả đại chúng hầu như đều mang tính bình dân kiểu thường thấy dễ hiểu, đồng thời không ngại phơi bày những ẩn ức lẫn mâu thuẫn có phần trần trụi của gia đình Việt thời đương đại, không tô vẽ mỹ miều thoát ly thực tại bản xứ. Điều tưởng chừng đơn giản này xem chừng lại ít có khó tìm với phần lớn phim Việt hiện tại, trong bối cảnh ngành phim tại xứ ưa thích việc chọn phim làm lại (remake) từ kịch bản phim nước ngoài cho nhanh và “chắc ăn” về câu chuyện làm phim, hoặc từ biên kịch trong nước chuộng viết đề tài kịch bản bám theo trend “xứ mạng” và theo đơn đặt hàng, thành ra thiếu chất riêng như với “dòng phim” Trấn Thành hiện có.

mot-canh-trong-phim-mai-cua-dao-dien-tran-thanh-voi-boi-canh-doi-song-thi-dan-viet-nam-duong-dai..jpg
Một cảnh trong phim “Mai” của đạo diễn Trấn Thành, với bối cảnh đời sống thị dân Việt Nam đương đại

Song song đó, thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ - nhà làm phim Trấn Thành cũng luôn là một “bảo chứng” khó thể phủ nhận về độ thu hút với truyền thông và công chúng, mỗi khi có dự án mới.

Dù một hiện tượng nào nổi lên gây dấu ấn thì cũng có nhiều ý kiến trái chiều , thậm chí chỉ trích thì điều đáng ghi nhận là ngoài độ nổi tiếng khiến người nghệ sĩ này luôn thu hút “lời ong tiếng ve”, nhà làm phim Trấn Thành cũng cho thấy có biệt tài “bắt mạch” với thị hiếu đại chúng khi làm phim, đồng thời bản thân các bộ phim của Trấn Thành cũng luôn có lực nội tại nhất định khi vừa tạo nên độ hấp dẫn vừa gây tranh cãi đủ đường, với nhiều đối tượng người xem. Bên cạnh đó, sự đầu tư về đường hướng truyền thông cho từng tác phẩm với biên độ “phủ sóng” rộng khắp cả xứ, hoặc với cách thức thương lượng về suất chiếu khi hợp tác phát hành với các nhà phát hành phim, tất cả đã dẫn đến hiệu ứng cộng hưởng chung về tính chuyên ngành của việc làm phim với Trấn Thành, về phương diện phim thương mại có tính phổ quát với đại chúng. Chưa kể là chiến lược phát hành “phim Trấn Thành” với cộng đồng người Việt bên ngoài nước cũng được tính toán song hành, góp phần đáng kể vào hiệu ứng truyền thông và phát hành.

Xa hơn nữa, sự thành công của phim Trấn Thành đã ít nhiều tạo niềm tin cho các nhà đầu tư phim với thị trường nội địa, trong bối cảnh nền kinh tế chung đang còn trầy trật tìm đường tìm hướng tồn tại và phát triển. Một “thắng lợi kép” về tính tạo đà cho thị trường chung.

Chỉ sau 11 ngày công chiếu, phim “Mai” đã chạm đến cột mốc doanh thu 400 tỷ đồng. Và doanh thu phòng vé vẫn đang trên đà tiếp diễn không ngừng.

Châu Quang Phước