Chuyện làm ăn

Xuất khẩu: Lạc quan trong thận trọng

Khánh Phương 28/02/2024 16:00

Dù có nhiều dự báo và tín hiệu đầy lạc quan về xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2024. Nhưng với lãi suất duy trì cao tại các nước phát triển ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, kéo theo đơn hàng chưa chắc phục hồi nhanh như kỳ vọng.

xuat-khau-go-ra-nuoc-ngoai.jpg

Lạc quan

Trong tháng 1/2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đà tăng của quý IV/2023, ước đạt gần 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trước diễn biến này, báo cáo mới đây của VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng nhanh trong những tháng tới, khi niềm tin của người tiêu dùng tại các đối tác thương mại lớn đang phục hồi trở lại.

Theo VinaCapital, do đặt quá nhiều hàng “Made in Vietnam” giai đoạn Covid-19, năm ngoái, các doanh nghiệp Mỹ đã phải cắt giảm đơn hàng nhằm giảm tồn kho. Tuy nhiên, xu hướng này sắp kết thúc sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm. Năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ suy giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Bước qua năm 2024, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đều kỳ vọng những tín hiệu khả quan hơn từ thị trường lớn này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thuỷ sản kỳ vọng xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD. Còn theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, ngành tôm đang hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD khi lạm phát hạ nhiệt và doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi.

Tương tự, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đánh giá tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn như Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi, do đó đặt ra mục tiêu kim ngạch 44 tỷ USD cho năm 2024, tương đương kết quả kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành vào năm 2022.

Đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, sau khi không hoàn thành kế hoạch năm 2023 khi chỉ mang về 13,37 tỷ USD, năm 2024 toàn ngành vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ được kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi tốt do việc làm đang tăng, đặc biệt xây dựng và mua bán nhà đất có tín hiệu tích cực.

Nhu cầu thế giới về lương thực nói chung và gạo nói riêng trong năm 2024 được dự báo tiếp tục tăng, giá gạo sẽ neo cao, khi biến đổi khí hậu đang tác động rõ nét khiến diện tích sản xuất lương thực, lúa gạo bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia phải gia tăng nhập khẩu, dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Dự báo năm 2024, thế giới thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo trong khi Ấn Độ có khả năng tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo để giữ ổn định giá gạo trong nước.

Nhưng vẫn thận trọng

Dù vậy, với lãi suất duy trì cao tại các nước phát triển ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, kéo theo đơn hàng tại các nền kinh tế đang phát triển vốn phụ thuộc vào thương mại chưa chắc phục hồi nhanh như kỳ vọng. Hệ quả là khi các nền kinh tế phát triển đứng trước nguy cơ suy thoái, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng đối mặt với rủi ro. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải dè chừng trước bi quan này để có kế hoạch đầu tư, sản xuất và dự trữ hàng phù hợp.

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa dù vẫn duy trì thặng dư, nhưng sẽ giảm xuống khoảng 15 tỷ USD. Điều này phần nào cho thấy hoạt động thương mại trong năm 2024 vẫn gặp không ít thách thức.

Ngoài sự phục hồi tiêu dùng chưa vững chắc do yếu tố lãi suất neo cao, thương mại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguy cơ xung đột quân sự lan rộng. Những tháng vừa qua, nhiều công ty vận tải biển đã phải chuyển hướng tàu vận tải hàng hóa, gây mất ổn định các tuyến thương mại biển. Theo đó, các tàu container sẽ phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, khiến hành trình dài hơn khoảng 40% và chi phí vận tải tăng vọt, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và chất lượng hàng hóa là thực phẩm.

Hệ quả là khi các nền kinh tế phát triển đứng trước nguy cơ suy thoái, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng đối mặt rủi ro. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải dè chừng trước bi quan này để có kế hoạch đầu tư, sản xuất và dự trữ hàng phù hợp.

Việc xuất khẩu trong năm 2024 của ngành gỗ, dệt may, da giày cũng đều chịu tác động của những quy định mới liên quan đến kinh doanh bền vững ngay từ đầu năm 2024, trong đó một số quy định đã có hiệu lực từ quý IV/2023.

Đó là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU, luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức, đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ… tác động đến ngành dệt may. Hay quy định về chống tổn thất, mất mát rừng và tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sau ngày 1/1/2025 mà không đáp ứng yêu cầu của châu Âu là không gây phá rừng sau ngày 31/12/2020 chịu ảnh hưởng của quy định. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam phải tuân thủ các quy định về gỗ hợp pháp, đồng thời nhanh chóng thích ứng với những quy định mới.

Tương tự, ngành may để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn Mỹ, phải đáp ứng được các yêu cầu về xanh hóa và tiết kiệm năng lượng. Điều đáng mừng, các doanh nghiệp dệt may đang ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu từ nhà nhập khẩu.

Với ngành thủy sản, rào cản phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, cũng có thể khắt khe hơn. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, để thu hút cử tri, chính quyền hiện tại có thể đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước. Mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024.

Khánh Phương