Quốc tế

Kinh tế toàn cầu 2024 sẽ “dễ thở”?

Khả Hân 28/02/2024 20:00

Lãi suất neo cao lâu hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và gia tăng rủi ro suy thoái. Hiện lãi suất tín phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng vẫn đang cao hơn trái phiếu kỳ hạn 10 năm, cảnh báo suy thoái kinh tế tiềm ẩn.

Khả năng lãi suất neo cao lâu hơn dự tính

Trái với những kỳ vọng lạc quan cuối năm ngoái về việc chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng dần trong năm 2024, khả năng sớm giảm lãi suất đang đối mặt với nhiều thách thức hơn. Kịch bản giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong cuộc họp tháng 3 cũng như những đợt giảm sắp tới trong năm nay vẫn chưa có gì chắc chắn khi nguy cơ lạm phát neo cao vẫn hiển hiện. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ căng thẳng địa chính trị, chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy và tiến trình chuyển đổi xanh đẩy chi phí gia tăng.

46554.jpg

Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 1/2024 tăng mạnh hơn dự báo, khiến bức tranh lạm phát ở Mỹ trở nên phức tạp hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cũng tăng mạnh hơn dự báo là 3,1%. Trước đó, thị trường hy vọng Fed sẽ giảm lãi suất quyết liệt trong năm nay, nhưng sau báo cáo lạm phát gần đây, hy vọng này cũng giảm đi phần nào.

Chủ tịch Fed khu vực Atlanta là Raphael Bostic cho biết, Fed không vội cắt giảm lãi suất khi thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh. Đồng quan điểm, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, với nền kinh tế quá mạnh, việc hạ lãi suất quá sớm có thể ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát, khiến lạm phát vượt mức mục tiêu của Fed.

Trong tháng 1/2024, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 353.000 việc làm và theo ước tính của chi nhánh Fed tại New York, mức tăng trưởng trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2023 là 3,3%, cùng tốc độ với quý IV/2023. Ngoài ra, rủi ro căng thẳng địa chính trị và sự không chắc chắn về triển vọng nền kinh tế đang đè nặng hơn lên quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất và khiến Fed phải tiếp cận vấn đề một cách chậm hơn.

Lãi suất neo cao lâu hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và gia tăng rủi ro suy thoái. Hiện lãi suất tín phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng vẫn đang cao hơn trái phiếu kỳ hạn 10 năm, cảnh báo suy thoái kinh tế tiềm ẩn. Đáng lo ngại hơn là cuộc bầu cử tổng thống năm nay của Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung có thể dẫn đến những biến động chính trị khó lường. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp chần chừ, không mạnh dạn đầu tư, dẫn đến các động lực tăng trưởng kinh tế càng suy yếu.

Trong bối cảnh các nhà giao dịch bớt hào hứng với kỳ vọng Fed sớm nới lỏng chính sách, tiền mặt vẫn đang được ưu tiên. Dữ liệu của Investment Company Institute cho thấy các nhà đầu tư đã rót thêm 128 tỷ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ kể từ đầu năm đến nay. Các công ty đang nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục 4.4 ngàn tỷ USD tính đến cuối quý III/2023, và thị trường đã mua hơn 1 ngàn tỷ USD tín phiếu Chính phủ Mỹ kể từ giữa năm 2023.

Bên cạnh đó, một số tập đoàn cũng tăng cường rót vốn vào các quỹ thị trường tiền tệ. Chẳng hạn, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, đã tăng phân bổ vốn cho các quỹ thị trường tiền tệ lên 32,9 tỷ USD vào cuối 2023, từ mức 29,6 tỷ USD vào cuối tháng 9. Tương tự, Amazon tăng phân bổ vốn vào quỹ thị trường tiền tệ từ mức 20,4 tỷ USD của quý III lên 39,2 tỷ USD vào cuối 2023. Qualcomm cũng tăng vốn phân bổ vào quỹ thị trường tiền tệ trong 2023, trong khi tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty đã tăng lên 8,13 tỷ USD tính đến 24/12/2023, từ mức 4,88 tỷ USD một năm trước đó.

Rủi ro lan tỏa từ các nền kinh tế phát triển

Thực tế, một số nền kinh tế đã bước vào pha suy thoái. Như tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, chứng kiến GDP quý IV/2023 giảm 0,3% so với quý trước đó. Tính chung cả năm 2023, quy mô nền kinh tế Đức giảm 0,3%, trong bối cảnh lạm phát kéo dài, giá năng lượng cao, nhu cầu nước ngoài yếu, người tiêu dùng còn thận trọng và đầu tư trong nước bị kìm hãm vì lãi vay tăng cao. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Covid-19, Đức tăng trưởng âm.

Tại châu Á, kinh tế Trung Quốc vẫn đang chật vật với thị trường bất động sản và nguy cơ nợ xấu gia tăng. Theo đó, Trung Quốc rất có thể sẽ thực hiện một biện pháp kích thích vừa phải, đủ để đạt mức tăng trưởng trên 4% một chút vào năm 2024. Trong khi đó, các lực cản mang tính cơ cấu đối với tăng trưởng - xã hội già hóa, nợ và bất động sản dư thừa, sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế - vẫn còn tồn tại. Cuối cùng, Trung Quốc có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhưng đây sẽ là một cuộc “hạ cánh cứng” đầy khó khăn với mức tăng trưởng đáng thất vọng.

Đáng lưu ý là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc năm 2023 đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập niên 1990. Điều này là thách thức mà Bắc Kinh gặp phải trong nỗ lực thu hút dòng vốn ngoại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghĩa vụ đầu tư trực tiếp trong cán cân thanh toán của nước này chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 82% so với năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Giới phân tích cũng cho rằng khả năng các nền kinh tế phát triển “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm” sẽ còn phụ thuộc vào một số yếu tố. Đầu tiên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có độ trễ, có thể có tác động lớn hơn vào năm 2024 so với năm 2023. Hơn nữa, việc tái cấp vốn nợ có thể khiến nhiều công ty và hộ gia đình phải chịu chi phí trả nợ cao hơn đáng kể trong năm nay và năm tới. Và nếu một cú sốc địa chính trị nào đó gây ra một đợt lạm phát khác như leo thang quân sự tại khu vực Trung Đông từ xung đột hiện tại ở dải Gaza, các NHTW sẽ buộc phải hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Trước tình hình này, các nước đang phát triển cũng đối mặt với rủi ro lạm phát. Nhiều quốc gia Đông Nam Á gần đây đã tiến hành phát tiền mặt cho dân để đối phó lạm phát. Lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn để kiềm chế lạm phát cũng có thể làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ của các nền kinh tế yếu kém. Trong nhiều năm qua, các nước nghèo đã tăng cường vay nợ ở vùng lãi suất thấp, chủ yếu là để tài trợ cho những chi tiêu có lợi nhuận thấp hoặc âm như sân vận động thể thao hay các dự án để gây ấn tượng trong kỳ bầu cử.

Đáng lo ngại hơn là cuộc bầu cử tổng thống trong năm nay của Mỹ nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung có thể dẫn đến những biến động chính trị khó lường. Điều này khiến các doanh nghiệp sẽ chần chừ, không mạnh dạn đầu tư, dẫn đến các động lực tăng trưởng kinh tế càng suy yếu.

Khả Hân