Kinh tế số

Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo trong tháng 5/2025

Nguyễn An 27/02/2024 22:00

Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đang nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, sẽ hoàn thành trong tháng 5/2025.

Việc xây dựng khung pháp lý về tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến loại tài sản này. Từ đó, sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bên cạnh việc giao Bộ Tài chính hoàn thiện khung pháp lý đối với loại hình tài sản ảo, Chính phủ còn giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản ảo, hoàn thành trong tháng 9 năm nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan phải đưa ra kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao như sử dụng tiền mặt, vàng trong nền kinh tế để mua bán bất động sản, tham nhũng.

btc-up(1).jpeg
Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5/2025

Thực tế hiện nay, các loại tiền ảo như Bitcoin, Ethereum... đang trở thành loại tài sản phổ biến tại Việt Nam. Nhất là trong những năm gần đây, tiền kỹ thuật số được nhiều nhà đầu tư quan tâm và giá các loại tiền ảo liên tục tăng, ứng dụng công nghệ của tiền ảo, tiền điện tử đang dần trở nên hữu ích với các doanh nghiệp và một số nước trên thế giới đã hợp thức hóa tiền ảo như một phương thức thanh toán. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo.

Trước đây, Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.

Bên cạnh đó, cách đây 2 năm, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần sớm có hành lang pháp lý về những rủi ro của tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo mang lại cho người tham gia và nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, việc mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay vẫn đang được âm thầm thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, cá nhân tham gia.

Thực tế cho thấy tiền ảo cũng tồn tại nhiều rủi ro như giá không được xác định trên giá trị nội tại mà hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu. Điển hình như một số đợt bùng nổ "bong bóng giá" xảy ra vào cuối năm 2011 và đầu năm 2014 đã gây thiệt hại khổng lồ cho một lượng lớn tài sản trên thế giới, kéo theo bất ổn kinh tế toàn cầu. Do đó, nếu không có sự quản lý của các cơ quan Chính phủ, kinh doanh tiền ảo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Nguyễn An