Chuyện làm ăn

Ngành điều 2024: Ứng biến trước biến động

Phương Hà 28/02/2024 09:00

Nhu cầu điều nhân năm 2024 ở thị trường Mỹ được dự báo ổn định, các nước EU có thể tăng 2-3%. Lượng điều nhân tồn kho còn đủ bán đến tháng 5, tháng 6/2024. Gần đây, lượng nhân điều nhập khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, ngành điều vẫn cần ứng biến với thay đổi mới.

Ông Tạ Quang Huyên - Ủy viên Ban Thường vụ VINACAS, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho rằng, năm 2024 so với 2023 sẽ “dễ thở” hơn nhờ lãi suất ngân hàng, lạm phát giảm, tiêu dùng tăng nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan. Nhưng giá nhân điều khó tăng do nguồn cung vẫn lớn, trong khi siêu thị các nước đã chốt giá nên các nhà chiên rang và nhập khẩu phải căn cứ theo đó để đưa ra giá mua phù hợp từ nhà cung cấp (đa số từ Việt Nam, chiếm gần 80% lượng cung toàn cầu). Như vậy, sẽ khó trả giá cao cho các nhà chế biến khi nhà chiên rang, nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng bán trước với các hệ thống siêu thị với số lượng lớn. Sau thời gian đó, mới có thể thay đổi lại giá mua phù hợp với diễn biến thị trường và nhu cầu.

Theo đánh giá chung, ngành điều thế giới, cả điều thô và nhân điều năm 2024 vẫn theo xu hướng suy giảm. Giá điều thô khoảng 900 - 1.000 USD/tấn, giá các loại nhân điều sẽ thấp.

Sản xuất, kinh doanh muốn hiệu quả phải theo sát thị trường và ra quyết định đúng. Từ kinh nghiệm thành công khi kinh doanh điều, ông Quang Huyên cho rằng, không “hấp tấp” mua điều thô để dự trữ khi chưa có hợp đồng bán nhân điều và phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, thực hiện đúng cam kết để phát triển bền vững. Cần phải đủ tỉnh táo, chọn đúng “điểm rơi” khi mua điều thô, bán điều nhân và đưa ra quyết định chính xác mới có hiệu quả. Điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Ngành điều Việt Nam ở vị thế Số 1 trong thời gian khá dài, nhưng trước những biến động gần đây về chính sách hỗ trợ chế biến, miễn giảm thuế của chính phủ một số nước trồng điều ở châu Phi cũng như về tình trạng nhập khẩu nhân điều sơ chế bị thải loại tại các nước, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) điều Việt Nam phải có chiến lược ngành hàng khác nhau và luôn phải ứng biến trước thay đổi mới có thể thích nghi.

14-chuyen-thuong-truong.jpg
Doanh nhân EU tham quan vườn điều ở Bình Phước

Hiện nay có năm vấn đề lớn mà ngành điều Việt Nam phải đối mặt. Thứ nhất, hai cuộc chiến tranh ở Đông Âu và Trung Đông đang diễn ra tác động lớn đến kinh tế, xã hội các nước, lạm phát tăng, tiêu dùng giảm sút, chi phí sản xuất ngày càng cao gây ra những thách thức không nhỏ đến chuỗi cung ứng điều toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, bị các loại hạt khác cạnh tranh nên giá nhân điều sơ chế của DN Việt Nam bán ra giảm dần qua từng năm. Việc thực hiện hợp đồng gặp nhiều trắc trở do phải mua nguyên liệu từ đầu năm, giá cao, nhưng khi bán giá lại giảm. Thứ ba, cảnh báo của khách hàng (nhà nhập khẩu) về an toàn thực phẩm đối với điều nhân sơ chế của nước ta gia tăng. Thứ tư, hai năm nay, tội phạm lừa đảo quốc tế nổi lên trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó, điển hình là vụ lừa đảo 74 container hạt điều của DN Việt Nam tại Ý, gần đây là 4 container tại Trung Đông. Thứ năm, tình trạng nhập khẩu điều nhân sơ chế (thuế suất 0%) từ châu Phi của một số DN thay vì nhập khẩu điều thô là có lợi cho DN nhưng vô tình tiếp tay, giúp họ tiêu thụ điều nhân không bán được, trong lúc các nước châu Phi “trải thảm” mời nhà đầu tư chế biến tại chỗ và đánh thuế điều thô xuất khẩu, tác động nhất định đến cả ngành điều, bao gồm bà con nông dân trồng điều, DN vừa và nhỏ, xa hơn là ảnh hưởng đến vị thế ngành điều Việt Nam.

Lợi thế lớn nhất của ngành điều Việt Nam là môi trường chính trị - kinh tế - xã hội ổn định. Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), đang tiếp tục đàm phán ba FTA. Lợi thế cốt lõi là cơ giới hóa, tự động hóa, đổi mới công nghệ - thiết bị chế biến của ngành điều. Phần lớn máy móc phục vụ chế biến điều do doanh nghiệp Việt Nam chế tạo, là nước dẫn đầu về nhập khẩu điều thô, về sơ chế và xuất khẩu điều nhân trên thế giới.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, DN điều Việt Nam rất linh hoạt, thích nghi nhanh khi đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Nhiều nhà máy được chứng nhận tiêu chuẩn BRC F00Dd (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm), SMETA (Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội), HACCP (Tiêu chuẩn phân tích mối nguy và kiểm soát điểm an toàn thực phẩm)… Một lợi thế nữa là vùng nguyên liệu tại chỗ dù sản lượng chỉ khoảng nửa triệu tấn điều thô/năm, nhưng hạt điều sau chế biến được khách hàng các nước nhập khẩu đánh giá rất cao về chất lượng, mùi vị.

Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm nhân điều là yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của người tiêu dùng. Việc sản xuất, “chế biến xanh” trở thành xu hướng hiện nay trên thế giới. Do đó, như ông John Sessler - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ chia sẻ, an toàn thực phẩm ngày càng được các nước quan tâm, vì vậy DN xuất khẩu nhân điều Việt Nam luôn phải chú ý và thực hiện một cách bài bản hơn nữa vấn đề này. Những cơ quan có chức trách của Mỹ và các nước EU ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm và sắp tới có thể yêu cầu cả truy xuất nguồn gốc. Để đảm bảo về chất lượng và những quy định về an toàn thực phẩm đòi hỏi sự hợp tác giữa các khâu trong chuỗi. Nhưng 2/3 lượng điều thô để chế biến là nhập khẩu từ mấy nước châu Phi và Campuchia, rất khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu trồng trọt, trong khi đây là một trong những vấn đề nhà nhập khẩu phản ánh về vi phạm an toàn thực phẩm. Vì vậy, ngành điều các nước cần có sự hợp tác sâu hơn với Việt Nam cũng như phản ánh lên chính phủ nước họ vấn đề này để cùng giải quyết.

Phương Hà