Sông Sài Gòn có thể thành kỳ quan thế giới mới?
UBND TP.HCM đang định hướng xây dựng phát triển đô thị TP.HCM theo hướng tận dụng điều kiện tự nhiên, không gian sông nước để phát triển hài hòa và bền vững, trong đó có gìn giữ, bảo vệ và khai thác sông Sài Gòn. Làm thế nào tận dụng sông Sài Gòn để kiến tạo công trình không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa hạ tầng môi trường, phát triển kinh tế, trở thành hành lang văn hóa nhân văn độc đáo, phục vụ người dân mà chưa một nơi nào trên thế giới làm được. Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn có gặp gỡ doanh nhân Đặng Đức Thành - Chủ tịch Tập đoàn Green+, Chủ tịch Quỹ vì chất lượng cuộc sống để có vài góc nhìn chia sẻ.
* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển bền vững của Thành phố dựa trên lợi thế sông biển?
- Đặc điểm nổi bật của TP.HCM đó là một đô thị lớn có nhiều nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng, có biển, có rừng và hệ thống sông rạch chạy dài từ nội thành ra đến biển. Có khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng ngập mặn Cần Giờ gắn với đô thị sinh thái biển Cần Giờ.
Năm 1978, khi Cần Giờ được sáp nhập về TP.HCM (từ tỉnh Đồng Nai). Từ một vùng đất bị bom đạn và chất độc hủy hoại trong chiến tranh với tổng diện tích 75.740ha đầm lầy trơ trụi; Cần Giờ thực sự đã thay đổi khi được quy hoạch đầu tư và phát triển thành khu du lịch sinh thái.
Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dư trữ sinh quyển thế giới (rừng ngập mặn) ngày 21/01/2000. Đến nay Cần Giờ thực sự là lá phổi xanh của TP.HCM.
Khu sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn lên đến khu Địa đạo Củ Chi, Đền Bến Dược gắn với khu du lịch sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao… với những yếu tố căn bản trên, đây chính là nền tảng sẵn sàng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch; góp phần chủ lực phát triển kinh tế xa hội TP.HCM, nhưng với chi phí đầu tư rất thấp (so với đầu tư vào các ngành khác: cảng biển, lấn biển…)
* Trước đây ông thường chia sẻ về đánh thức sông Sài Gòn và xây dựng kỳ quan thế giới mới – Rồng xanh sông Sài Gòn, hiểu điều này thế nào?
- Kỳ quan thế giới được hiểu là công trình kiến trúc hoặc tác phẩm nghệ thuật có quy mô lớn, độc đáo và độc nhất, thường gắn liền với sự hùng vĩ và vẽ đẹp nỗi bật, làm nên danh tiếng cho một nền văn minh, hoặc một thời kỳ lịch sử của nhân loại.
Để minh họa về kỳ quan thế giới mới - Rồng xanh sông Sài Gòn, theo tôi dọc theo chiều dài sông từ Tây Ninh đến khu vực Cần Giờ, ở cả 2 bên bờ sông, cứ 6km có một công viên “bảo tồn thiên nhiên” kích thước mỗi công viên khoản 20ha. Với chiều dài khoảng 160km (chưa kể các nhánh sông khác) sẽ có khoảng 42 công viên, mỗi bên 21 cái. Mỗi công viên sẽ giống như vảy rồng, chúng ta sẽ dùng hình ảnh để diễn dải phương pháp châm cứu đô thị với chuỗi công viên này.
Tại sao lại 6km, bởi vì đó là khoảng cách để cư dân đô thị xung quanh có thể tiếp cận dễ dàng và được hưởng lợi từ chất lượng không khí của công viên mang lại. Mỗi công viên sẽ có 3 phần: phần cây xanh và các đường dạo bộ; khu đa dạng sinh học, khu dịch vụ sinh hoạt cộng đồng, văn hóa và sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, hành lang 2 bên bờ sông cũng sẽ được trồng cây để tạo bóng mát và chống sạt lở tạo thành giải liên kết xanh.
Ngoài ra, toàn bộ khu vực Khu sinh quyển rừng Sác 75.000ha là đầu rồng vươn ra biển.
* Công tác quy hoạch của Thành phố sẽ như thế nào cho ý tưởng này, thưa ông?
- Thành phố cần quy hoạch chuỗi 42 công viên “Bảo tồn thiên nhiên” dọc 2 bên bờ sông (mỗi bên 21 cái) và một khu dự trữ sinh quyền thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ (còn gọi là rừng Sác).
Bên cạnh dòng sông, tổng số lượng cây xanh đề xuất trồng mới là 100 triệu cây thức đẩy nâng cao chất lượng không khí tạo cảnh quan cho người dân thành phố. Trong đó chủ lực là trồng trong 42 công viên bảo tồn thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyền thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ.
Như vậy, với việc xây dựng chuỗi công viên “Bảo tồn thiên nhiên” chúng ta có thể hình dung một kỳ quan thế giới mới “Rồng xanh - Sông Sài Gòn”.
* Sẽ có những thách thức về tính khả thi liên quan đến pháp lý, quyền sỡ hữu… để thực hiện ý tưởng này?
- Về pháp lý, thể chế, hiện nay phần đất dự kiến quy hoạch chuỗi công viên “Bảo tồn thiên nhiên” do người dân nắm giữ, với trên 80% là đất ruộng, đất vườn, đất trồng cây lâu năm… Nếu chúng ta mạnh dạn quy hoạch chuỗi công viên này sẽ được sự đồng thuận cao của người dân và đẩy đủ khả năng thực hiện được.
Về mặt kinh tế, có nhiều giải pháp chủ lực để thức đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh ít đầu tư vốn mà thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế, là giải pháp đòi hỏi thời gian không dài (trong vài năm - thay vì vài chục năm) đó chính là giải pháp chúng ta xem xét lựa chọn.
* Theo ông, nếu làm được như vậy, sẽ thu được kết quả thế gì?
- Năm 2023, TP.HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam với gần 5 triệu lượt khách quốc tế (trên cả nước 12,6 triệu); khoảng 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ngành du lịch thành phố trên 160 ngàn tỷ VND (cao hơn 25% so với năm trước dịch Covid- 19 là năm 2019).
Cần xem xét quy hoạch xây dựng chuỗi 42 công viên “bảo tồn thiên nhiên” gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, chính là giải pháp hết sức kinh tế. Với chi phí đầu tư ít tốn kém dồng thời có thể triển khai trong thời gian ngắn (vài năm) với giải pháp chủ lực: huy động nguồn lực từ “xã hội hóa”.
Tận dụng sông Sài Gòn để kiến tạo công trình không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa hạ tầng môi trường, phát triển kinh tế, trở thành hành lang văn hóa nhân văn độc đáo, phục vụ người dân mà chưa một nơi nào trên thế giới làm được.
Nếu làm được như vậy, đây chính là giải pháp chính thức đẩy phát triển ngành du lịch TP.HCM trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từ đó kích hoạt các dịch vụ khu trung tâm đô thị ven sông: như phát triển vịnh du thuyền, kinh tế sông nước hướng biển, kinh tế đêm, hình thành các khu làng nghề - phục vụ du lịch sinh thái…
Ngành du lịch phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề, đồng thời sử dụng được lực lượng lao động rất lớn cho thành phố. Người dân thành phố sẽ được hưởng chất lượng không khí ngày càng tăng lên, thay vì phải chờ đến 2050 mới hưởng Net Zero.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!