Bất động sản

Phát triển nhà ở xã hội là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Trần Nam 26/02/2024 12:00

Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, đồng thời là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở cả thành thị lẫn nông thôn chính là thể hiện bản chất ưu việt của chế độ dân chủ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là cơ hội để cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp cùng nhau đóng góp vào việc tạo ra một môi trường sống ấm no, bảo đảm an sinh và hạnh phúc cho nhân dân.

anh-6.jpg
Quang cảnh hội nghị - Nguồn: Bộ Xây dựng

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” ngày 22/2/2024. Theo Đề án, đến năm 2030 các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, khoảng 428.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Hội nghị, trong thời gian vừa qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được kết quả quan trọng là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tích cực của các Bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai 15 dự án với tổng số 6.000 căn hộ; Bắc Giang có 5 dự án, tổng cộng 12.475 căn; Hải Phòng thực hiện 7 dự án với tổng số 11.678 căn; Bình Dương triển khai 7 dự án, tổng cộng 6.557 căn; Đồng Nai có 8 dự án, 9.074 căn; Bình dương thực hiện 7 dự án, 6.557 căn; Thanh Hóa có 9 dự án, 4.948 căn.... Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với tổng diện tích 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.031 ha so với năm 2020.

Các chính sách mà Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua thời gian qua nhằm tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Cụ thể, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Đất đai sửa đổi cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã giải quyết nhiều vướng mắc trong thực tiễn nhằm thúc đẩy nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, hay các Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thực tế phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân từ 2021 đến nay, cả nước đã triển khai tổng cộng 499 dự án nhà ở xã hội, bao gồm hơn 411.000 căn hộ. Đồng thời, đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân, với tổng số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án đã gặp phải nhiều thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh cần tập trung giải quyết một cách quyết liệt. Cụ thể, nhiều địa phương đã thực hiện chậm hơn so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, một số khác chưa có dự án nhà ở xã hội mới được khởi công. Ngoài ra, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong đợi và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trở ngại trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp. Theo thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ Xây dựng sẽ thành lập tổ công tác, bao gồm các đồng chí lãnh đạo Bộ để đến các địa phương để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Ông cũng kêu gọi các bộ, ngành, địa phương cùng với doanh nghiệp đề ra kế hoạch cụ thể, nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra của Đề án trong năm 2024, sự đồng lòng của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết. Bộ Xây dựng cam kết sẽ tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, nhằm giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; từ đó thúc đẩy triển khai hiệu quả và phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, sửa đổi pháp luật về Thuế… nhằm đồng bộ hóa với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội. Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện các nhiêm vụ được giao tại Đề án để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hạ mức lãi suất cho vay gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng; tháo gỡ các vướng mắc để triển khai gói hỗ trợ này một cách có hiệu quả theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Ngoài ra, các địa phương cần gấp rút hoàn thiện Chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là tập trung xác định rõ các mục tiêu liên quan đến nhà ở xã hội cho nhóm người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp cũng như các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần lập kế hoạch tiến độ, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực và tài chính, áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa thời gian thi công. Sau khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cung cấp và công bố công khai các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết, tham gia theo dõi và giám sát quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, cần nỗ lực triển khai khởi công và đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% nhà ở xã hội. Phải chủ động rà soát đối tượng, điều kiện và đăng ký với UBND cấp tỉnh để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn tài chính ổn định phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cần huy động thêm nguồn lực ngoài nhà nước. Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường để tìm ra phương án và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường. Đồng thời, cũng xem xét cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản hình thành trên đất để thế chấp vay vốn tín dụng; thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội.

Như vậy, với mục tiêu cao cả và ý nghĩa nhân văn mà Đề án xây dựng nhà ở xã hội mang lại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị mong muốn tiếp tục nhận được sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng với Bộ Xây dựng để hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án là bước khởi đầu và thí điểm, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để hoàn thiện chính sách nhà ở cho mọi người dân ở cả thành thị và nông thôn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là cơ hội để cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp cùng nhau đóng góp vào việc tạo ra một môi trường sống ấm no, bảo đảm an sinh và hạnh phúc cho nhân dân.

Trần Nam