Kinh tế địa phương

Đồng Tháp sẽ là trung tâm sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2030

Nguyễn An 23/02/2024 11:52

Sáng 22/2, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với sự tham dự của Phó thủ tướng Lê Minh Khái và lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và tỉnh, thành lân cận.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, việc quy hoạch tỉnh Đồng Tháp có ý nghĩa rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp. Đây là cơ hội để lan toả về tư duy phát triển, tầm nhìn và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện nay, không chỉ riêng cho tỉnh Đồng Tháp, mà còn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

ubnd-tinh-dong-thap.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Hội nghị

"Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng phù hợp với các định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Đồng Tháp tăng tốc và bứt phá, hướng tới trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL phát triển thích ứng trong tình hình mới xứng tầm với vị thế tiềm năng của “Thủ phủ đất Sen hồng”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu.

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung ở 3 trụ cột chính: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: Cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường.

Ngoài ra, dựa trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện các thế mạnh, điểm yếu của từng lĩnh vực, tỉnh Đồng Tháp đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 04 vùng kinh tế - xã hội, 03 hành lang kinh tế, 04 đô thị trung tâm.

Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

trao(1).jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch Đồng Tháp tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp. Từ đó sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột: Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo; phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển du lịch gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Đồng Tháp sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường.

Do đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Đồng Tháp cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng.

img_9506(1).jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Nhận chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cam kết sẽ chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh nhằm đưa kinh tế - xã hội Đồng Tháp phát triển nhanh, bền vững theo định hướng phát triển của Trung ương và vùng ĐBSCL.

Đồng thời, ông Lê Quốc Phong cũng kỳ vọng, qua hội nghị lần này, tỉnh Đồng Tháp sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng đầu tư. Qua đó, tạo điều kiện mở rộng cơ hội tìm kiếm đầu tư để sớm triển khai các dự án theo các nội dung, thỏa thuận đã ký kết thành những sản phẩm, công trình cụ thể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp.

Nguyễn An