Quốc tế

Sau thành công của tên lửa đẩy H3, Nhật Bản muốn thương mại hóa không gian nhiều hơn

PV 21/02/2024 08:23

Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa H3 thế hệ tiếp theo lần đầu tiên vào ngày 17/2/2024. Đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của xứ mặt trời mọc, để trở thành một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại hóa các dịch vụ không gian.

Thành công trong việc đưa hai vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo bằng tên lửa H3, diễn ra gần một năm sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại.

www.aljazeera.com-wp-content-uploads-2024-02-_2024-02-17t005915z_1062247518_rc2046a0z7s9_rtrmadp_3_japan-space-h3-1708140033.jpg
Tên lửa đẩy H3 của Nhật phóng thành công hôm 17/2 - Ảnh: Al Jazeera

Tên lửa cất cánh lúc 9h22 tại trung tâm vũ trụ Tanegashima, cách Tokyo khoảng 1.000 km về phía Tây Nam. Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) theo dõi vụ phóng, trong khi các vấn đề kỹ thuật do Mitsubishi Heavy Industries (MHI) chỉ đạo.

JAXA cho biết, H3 đã đưa 2 vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo. Vụ phóng là chuyến bay thử nghiệm mở đường cho chương trình chuyển sang thương mại hóa các hoạt động trên không gian, và cạnh tranh với nhà cung cấp dịch vụ khác như SpaceX.

Ông Mayuki Niitsu, giám đốc dự án H3 tại MHI cho biết, công ty sẽ tiếp thị dịch vụ này một cách đáng tin cậy và chính xác, theo truyền thống lĩnh vực sản xuất hàng hóa của Nhật Bản.

Trong khi Mỹ và Trung Quốc là những nước dẫn đầu thế giới về các chương trình không gian, Nhật Bản đặt mục tiêu có vị trí thích hợp trong thăm dò khoa học, loại bỏ rác thải trên không gian, giám sát thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu. H3 là tên lửa mới đầu tiên của Nhật Bản sau 22 năm.

Lần ra mắt hôm 17/2 của H3, đạt được sau khi JAXA có tàu vũ trụ hạ cánh thành công xuống mặt trăng vào ngày 20/1. Tàu đổ bộ thông minh này hạ cánh chỉ cách mục tiêu ban đầu 55 m.

H3 là tên lửa chạy bằng oxy-hydro, rẻ hơn và mạnh hơn dòng H2A/H2B được đưa vào sử dụng năm 2001 và sẽ ngừng hoạt động vào cuối tháng 3/2025. Mục tiêu chính của H3 là duy trì danh tiếng về độ tin cậy của H2A/H2B. Hai loại tên lửa trên đã phóng thành công 56 trong tổng số 57 lần phóng.

H3 giúp giảm một nửa chi phí phóng, xuống còn 50 triệu USD. Đây là số tiền được cho rất cạnh tranh nếu so với Falcon 9 của SpaceX là 62 triệu USD cho tên lửa sử dụng 1 lần, và 49 triệu USD cho tên lửa tái sử dụng.

Ông Masashi Okada, giám đốc dự án H3 của JAXA nói với Nikkei rằng, một trong những điểm mạnh nhất của H3 là thời gian đưa vào sử dụng rất nhanh. Tên lửa được lắp ráp rất đơn giản tại bãi phóng. Ngoài ra, tên lửa cũng có khả năng mang theo trọng tải lớn hơn, phù hợp để phóng vệ tinh.

MHI dự kiến sẽ tiếp quản các hoạt động phóng từ JAXA, và đặt mục tiêu 6 lần phóng mỗi năm.

Ông Masayuki Eguchi, người đứng đầu bộ phận quốc phòng và không gian của MHI cho biết: “Hiện tại năng lực sản xuất của chúng tôi là 5 hoặc 6 tên lửa H3 mỗi năm, nhưng thông qua các đầu tư mới, chúng tôi muốn tăng công suất lên 10 tên lửa mỗi năm.”

Doanh thu hiện tại của MHI từ hoạt động kinh doanh các dịch vụ trên không gian là 50 tỷ yên (khoảng 332 triệu USD), tương đương 1% doanh thu toàn công ty. Phần lớn trong số đó đến từ việc bán tên lửa. Công ty đang hướng tới việc mở rộng doanh số lên từ 20% đến 30%.

PV