Bất động sản

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024

Nguyễn An 20/02/2024 18:00

Ngày 19/2, đại diện Bộ Xây dựng đã thông tin, trong năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà theo công tác triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng được thực hiện trên cơ sở hiện nay pháp luật Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, tăng ưu đãi hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và các chính sách riêng về nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, việc ban hành gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/2/2023 của Chính phủ đã thúc đẩy nhiều địa phương triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng. Đồng thời, tính đến ngày 5/2/2024, cả nước cũng đã có 5 dự án nhà ở xã hội được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng.

Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong năm 2023 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực khi cả nước hiện đã quy hoạch thành công 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội. Trong số đó một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063 ha; TP.HCM 608 ha; Long An 577 ha; TP. Hải Phòng 471 ha; Thủ đô Hà Nội 412 ha.

nha-o-xa-hoi-1.jpg
Năm 2024, cả nước sẽ phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội theo mục tiêu do Bộ Xây dựng đề ra

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội. Điển hình như cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Bên cạnh đó là việc thiếu quỹ đất, nguồn vốn tín dụng từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thủ tục xây dựng còn chưa đồng bộ và thời gian thực hiện kéo dài.

Ngoài ra, một số địa phương đang xuất hiện tình trạng nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng các cấp chính quyền cũng chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai xây dựng; một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ...

Song song với đó là tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội chưa đảm bảo tiêu chí, điều kiện được vay theo pháp luật về tín dụng; một số địa phương cũng chưa công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay; thời gian vay ngắn hạn (Nghị quyết số 11/NQ-CP chỉ hỗ trợ trong thời gian 2 năm 2022-2023) chưa thu hút được các đầu tư vay vốn.

Cùng với đó là nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ cũng chưa được giải ngân hiệu quả.

Trước thực tế trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” vào ngày 22/2 sắp tới.

Nguyễn An