Vị thế

Doanh nghiệp dẫn dắt và cơ hội hóa Rồng

PGS - TS. Trần Đình Thiên (*) 16/02/2024 07:00

Rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang khao khát và nỗ lực làm nên thương hiệu quốc gia như: Trường Hải, TH True Milk, FPT, VinGroup… họ cũng chính là những doanh nghiệp đang đóng vai trò dẫn dắt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

thaco-truong-hai.jpg

Nhiều doanh nghiệp Việt đang đóng vai trò dẫn dắt

Năm 2023 được xem là năm khó khăn chồng chất với cộng đồng doanh nhân Việt: hậu Covid-19, xung đột thế giới leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái, kéo theo đó là sức mua giảm...Năm qua cũng là năm thị trường bất động sản xuống đáy theo chu kỳ suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao, khó khăn, có DN thua lỗ, phá sản phải rời bỏ thị trường. Tuy vậy, trong cơn suy thoái ấy vẫn có những DN trụ vững và phát triển.

Khách quan là vậy, về chủ quan thì cơ chế chính sách của Nhà nước còn nhiều vướng mắc. Sự chồng chéo của nhiều luật lệ khiến DN tiến thoái lưỡng nan, không ít DN sai phạm hành chính và vướng pháp lý.

Nhìn lại lịch sử phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là cơ chế thị trường, doanh nhân vẫn là đội ngũ chủ lực và là động lực chính để phát triển nền kinh tế quốc gia. Nhờ làm tốt vai trò dẫn dắt nên dẫu tốc độ tăng trưởng kinh tế 2022 và 2023 có chậm lại so với trước, nhưng Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng tốt nhất các nước trong khu vực và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trên toàn cầu.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cộng đồng doanh nhân không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn mang sứ mệnh quốc gia, phụng sự và phục hưng dân tộc. Đặc biệt trong phát triển kinh tế, vai trò dẫn dắt của doanh nhân thể hiện rất rõ ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Họ là những mẫu mực về tinh thần chấn hưng và phát triển kinh tế quốc gia, trong đó Chính phủ có vai trò tạo môi trường minh bạch cho doanh nhân cạnh tranh lành mạnh. Rõ nhất là Trung Quốc, với sự hậu thuẫn có hiệu quả của Nhà nước, trong hơn 40 năm qua, cộng đồng doanh nhân Trung Hoa đã trở thành động lực chính phục hưng nền kinh tế đất nước tỷ dân này.

Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc và khao khát làm giàu, nhiều doanh nhân lớn ở các quốc gia đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình trên phạm vi toàn cầu, từ đó làm nên thương hiệu quốc gia được thế giới biết đến. Những tên tuổi lớn như Toyota, Mitsubishi; Samsung Electronics, Hyundai, LG… đã làm nên niềm tự hào quốc gia của các quốc gia này.

Nói vậy để thấy, mỗi dân tộc đều có niềm tự hào và kiêu hãnh của họ. Điều quan trọng là niềm kiêu hãnh đó được thổi vào cộng đồng doanh nhân và Nhà nước có tạo được không gian cho doanh nhân thi thố tài năng hay không?.

Tại Việt Nam, ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, khi cơ chế cũ trói buộc bị dỡ bỏ đã tạo ra một động lực mới cho các DN phát triển. Đặc biệt là các DN ngoài quốc doanh. Khi Nhà nước trao cho công dân quyền tự do kinh doanh thì những nguồn lực tiềm tàng trong suốt bốn ngàn năm văn hiến đã được thức tỉnh và phát huy. Từ chỗ chỉ có mấy chục DN, đến nay Việt Nam đã có gần triệu DN được đăng ký. Đây là nguồn lực rất lớn góp phần cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong mấy chục năm qua. Trong đó có những DN lớn đã khẳng định được vị thế của mình ở thị trường trong nước và bắt đầu vươn ra quốc tế. Giờ đây, rất nhiều doanh nhân, DN Việt Nam đang khao khát và nỗ lực làm nên thương hiệu quốc gia như: Trường Hải, TH True Milk, FPT, VinGroup, VNG, Viettel… họ cũng chính là những DN đang đóng vai trò dẫn dắt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Phát huy vai trò dẫn dắt

Tổng kết hơn 10 năm qua, Nghị quyết số 09-NQ/TW (Nghị quyết 09) của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, chúng ta đã có những doanh nhân vươn tầm thế giới. Nhiều DN không chỉ phát triển mạnh, có uy tín trên quốc tế mà còn đầu tư nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghiệp ra các nước trong khu vực và thế giới.

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây được xem như “món quà” đặc biệt từ Đảng, Nhà nước, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, mở ra một khởi đầu mới cho giới doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới.

“Nếu được chung tay, được tiếp thêm tình cảm, đồng hành của cả dân tộc với thương hiệu non trẻ trong nước như cách người Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm thì niềm tự hào Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn rất nhiều”.

Chủ trương lớn là vậy nhưng thực tế còn rất nhiều việc phải làm. Việt Nam là một trong số các nước có lãi suất cao trong khu vực. Trong một nền kinh tế mà doanh nhân phải chịu giá vốn cao sẽ giảm bớt khả năng cạnh tranh. Chúng ta cần phải tổ chức lại thị trường tài chính để kiểm soát tốt lạm phát và giảm thấp lãi suất huy động và cho vay. Cùng với thị trường vốn ngắn hạn là thị trường vốn dài hạn. Trong đó thị trường trái phiếu và cổ phiếu rất cần được chuẩn hóa và hoàn thiện, tăng niềm tin cho các nhà đầu tư để các DN có thể huy động vốn thuận lợi thông qua thị trường này. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống luật, tránh chồng chéo, giảm hình sự hóa các quan hệ kinh tế, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp bộ máy hành chính, giảm thiểu quan liêu nhũng nhiễu gây khó cho DN, giảm bớt cơ chế xin cho…

Cơ hội trong năm Rồng

Năm Rồng thách thức vẫn còn rất lớn nhưng cơ hội mở ra cũng không ít. Quan sát những hoạt động của Chính phủ cho thấy những vướng mắc cũ đang được dỡ bỏ rất tích cực. Đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Hàng trăm dự án đang được khởi công đồng bộ, cùng với đường cao tốc là bến cảng, sân bay, công trình công cộng. Đặc biệt là việc điều chỉnh cơ chế để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia làm chủ các dự án đầu tư đó. Qua mấy chục năm phát triển chúng ta đã có những DN có thể tham gia được những dự án lớn, phức tạp như không chỉ đường sá, cầu cống mà còn cả bến cảng, sân bay và cả đường sắt trên cao.

Đây cũng chính là thời điểm để các DN có năng lực thực chất có cơ hội để làm chủ các dự án đầu tư lớn, tạo ra nhiều việc làm và tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Đó cũng là những cơ hội để họ tăng tốc và bắt đầu con đường hóa Rồng trong năm tới.

(*) Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng

PGS - TS. Trần Đình Thiên (*)