Đón rồng

Người giàu bây giờ không hiếm…

Nguyễn Thị Ngọc Hải 15/02/2024 20:00

Thái độ với người giàu và sự giàu có thì người ta nói nhiều rồi. Thậm chí có cả con số chứng minh mà báo chí hay nhắc. Đó là nghiên cứu của triệu phú, tiến sỹ người Đức Zitelmann khảo sát với câu hỏi “Sự làm giàu quan trọng thế nào với bạn?”.

Giàu có chân chính… ai chả mê

Có phải tại xứ nghèo thì mơ ước giàu có nhiều hơn xứ giàu? Chưa chắc. Vì số người được hỏi bên Tây có phải toàn hỏi người giàu đâu, mà còn hỏi nhiều người nghèo. Người Anh chả biết giàu đến đâu nhưng “phớt Ăng lê” chăng, mà số người muốn làm giàu lại ít nhất.

Việt Nam ta “bỏ rơi dần” nhiều ca dao kiểu như “Miệng nhà sang có gang có thép”, “Chị kia có quan tiền dài/Có bị gạo nặng coi ai ra gì”. Bởi vì người giàu bây giờ đâu có hiếm. Năm 2023, Việt Nam có tới 10 người trong danh sách giàu nhất của thế giới. Trong đó có 6 tỷ phú Mỹ kim. Còn người giàu không có trong danh sách nào thì… đầy. Có khi “cả làng giàu”, toàn xe hơi nhà lầu nữa kìa. Mà giàu chỉ tính bằng bị gạo thì ra gì, bây giờ giàu gấp vạn lần ngày xưa tưởng tượng.

thumbnail-xuan-tr103.jpg

Truyền thông phát triển, ở Việt Nam chúng ta biết được mấy ông tỷ phú thế giới nói gì, sống như thế nào. Đầy dinh thự sang trọng, du thuyền, xe xịn, cả máy bay riêng nữa, mà sao ông Elon Musk bảo “Tôi chuyên đi ngủ nhờ nhà bạn bè”. Jeff Bezos thì tự đi đổ rác. Nuôi con cái đến tuổi trưởng thành rồi bắt tự lập thì nhiều lắm.

Làm giàu khổ nhọc rồi… “rất kỳ” nhé: Có ý tưởng “cho đi hết khi còn sống”. Có phong trào “cam kết cho đi”. Gấn nhất là tỷ phú Mỹ gốc Ailen - Chuck Feeney hoan hỷ báo tin đã cho hết gia sản 8 tỷ USD. Có hình ảnh hai vợ chồng già đang ký sổ, nói là giữ lại 2 triệu đô la để sống già. Nghe vừa phục vừa hãi.

Ông giàu châu Á Jack Ma thì bảo thái độ với công việc mới là yếu tố quyết định vị trí con người trong xã hội.

Các tỷ phú Việt Nam hình như ít khi phát ngôn. Một dạo một doanh nhân nổi tiếng nói với vợ lúc họ đem nhau ra tòa ly dị: “Tiền nhiều để làm gì”, lập tức bị một đám người “đang cần tiền chết đi được” đem ra cười cợt. Với câu ca dân gian “Đồng tiền là tiên là Phật/Là sức bật của tuổi trẻ/Là sức khỏe của tuổi già/Là cái đà của danh vọng…” thì quả là nghe nó nghịch lý thật.

Nhưng thời thế đã khác. Xã hội tôn trọng và hy vọng ở những người giàu vì giàu đi với giỏi và tử tế đã là hình ảnh mới. Bởi triết lý kinh doanh đã khác hẳn. Không đi theo sẽ không thành công. “Ăn bẩn” sẽ không bền. Còn bị khinh ghét. Đó là đạo lý muôn đời.

Nhiều doanh nhân giàu có của Việt Nam bị tiếng là “đi lên từ đất”, nhưng rõ ràng họ đã phát triển sang nhiều lĩnh vực, như y tế, giáo dục, thương mại… Nhiều doanh nghiệp đã vươn ra với toàn cầu. Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR) trở thành quy tắc và nhiệm vụ trong kinh doanh. Làm từ thiện không còn là để đánh bóng tên tuổi. Sự phát triển của doanh nghiệp luôn có văn hóa kèm theo là quan tâm đến môi trường và cuộc sống của cộng đồng.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk được nhận giải thưởng quốc tế cho những nỗ lực thúc đẩy CSR và ESG tại Việt Nam. (ESG: Environment - môi trường, Social - xã hội, Governance - quản trị doanh nghiệp, là bộ ba tiêu chuẩn để đo lường sự phát triển bền vững của doanh nghiệp).

Vì vậy, khát vọng làm giàu không chỉ là của cá nhân mà mang tính xã hội cao. Chả có lý gì mà ghét giàu, ghét người giàu.

Phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ dù rằng có bao khó khăn, tỷ lệ thành công trên thế giới cũng không cao, thường bị thất bại những năm đầu, nhưng đó vẫn là khát vọng ưa được thử thách, ưa được khám phá.

Lý tưởng về giàu có và lối sống của con người đang thay đổi nhanh chóng. Hãng tin Reuters đưa vấn đề “Liệu người giàu các nước có sống tốt nữa không khi tăng trưởng kinh tế đã chậm lại?”. Điều này nói lên vấn đề quan trọng: Vật chất chưa đủ cho cuộc sống tốt đẹp. Ai cũng muốn ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, nhưng theo đuổi tiền bạc một cách hẹp hòi là phản tác dụng, làm biến đổi khí hậu và làm suy yếu cơ cấu xã hội.

Đừng bôi xấu hình ảnh người giàu

Cũng theo Reuters, thế hệ Gen Z đang có những ý tưởng rất đáng quan tâm. Theo nghiên cứu của Công ty Mc Kinsey, Gen Z là những người “duy tâm”. Họ tin rằng ý nghĩa về giá trị của cuộc sống là dành sức làm việc để ngăn chặn biến đổi khí hậu, cho công bằng xã hội và những công việc có ích khác. Tức họ muốn cống hiến cho xã hội.

Nghe có vẻ xa vời trong khi nhiều thanh niên đang lo tìm một công việc tử tế, đang lo thất nghiệp, nhưng xu hướng vẫn là sống tử tế, không làm giàu bất chấp phá hủy môi trường và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

103-nguoi-giau.jpg

Ở Việt Nam vừa qua không thể không nói tới nhiều việc đã làm xấu sự giàu có. Nhiều quan tham hàng ngàn tỷ đồng, nhận hàng triệu USD đút lót. Có ông nhận bao tiền “lại quả” rồi vứt vào góc phòng, không nhớ đếm, vì đã quen thói “quá nhiều quà”. Rồi có kẻ phải dùng ô tô chở nhiều chuyến để cất cả triệu tỷ đồng của ngân hàng. Thật là khủng khiếp, ngoài trí tưởng tượng của dân. Tiền ăn cắp thế thì mình không nghèo mới lạ. Một vị quan bự nói: “Những kẻ tham nhũng vừa qua toàn là người giàu”.

Đi thăm tỉnh nọ, hỏi dân đây có giàu không? Có người trả lời: “Làm gì được mà giàu. Chỉ cán bộ giàu thôi. Dân thì nghèo đều”. Nghe mà xót xa.

Nhưng ngay trong dân cũng bị ảnh hưởng. Một bộ phận nghĩ, làm ăn không chạy chọt, dựa dẫm làm sao giàu được. Nó trở thành lối sống bất chính, bất minh.

Nhưng lịch sử cho thấy, Việt Nam đứng dậy được sau tàn phá của chiến tranh thì sẽ đứng vững được trong mọi tình huống, bởi biết cách vượt lên, biết cách chống tiêu cực, sống tích cực, biết cách làm lành mạnh xã hội. Công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang lấy lại sự trong sạch.

Sự giàu nghèo thời hiện đại không còn do bất bình đẳng xã hội, mà do điều kiện, tài năng, kinh nghiệm và có nỗ lực hay không.

Người Việt giờ đây hầu như thoát khỏi định kiến với sự giàu. Xã hội đã có nhiều yếu tố tiến bộ thúc đẩy động lực và cách thức làm giàu đối với người dân. Không ai được phá hủy nó.

Loài người đang tiến “siêu văn minh”. Ta đâu còn quyền đi lùi hay dậm chân tại chỗ.

Nguyễn Thị Ngọc Hải