Quản trị

Phía sau những quả táo không hóa chất

Phương Thảo 15/02/2024 10:00

Ông Kimura giờ đây đã nổi tiếng trên toàn thế giới bởi đã trồng được những trái táo không hóa chất. Đổi lại, ông mất 8 năm ròng sống trong cơ cực, khổ đau, gia đình nghèo khó, người đời chế nhạo. Nhiều khi ông đã mất niềm tin, thậm chí tìm đến cái chết.

Thời đó, trồng táo ở Iwaki là một nghề đem lại thu nhập khá giả cho nông dân trong vùng. Muốn có năng suất cao, người nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều lần trong một năm nhưng Kimura quyết định làm một việc vô cùng điên rồ, trái phương pháp thông thường: trồng táo không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Bố vợ là người ủng hộ ông và động viên: “Cứ thử đi”. Những năm đầu tiên, được sự cổ vũ của bố vợ, ông có niềm tin mãnh liệt vào quyết định của mình. Thế nhưng, chuyện này không hề dễ dàng một chút nào. Sau khi ngưng dùng thuốc, vườn táo của ông cứ từ từ kiệt quệ dần. Cho dù cố gắng thử nhiều biện pháp thay thế thuốc từ nguyên liệu thiên nhiên, vườn táo vẫn bị sâu bệnh phá hại. Táo không còn lá chẳng thể kết nổi hoa, và lẽ dĩ nhiên làm gì còn quả. Từ một gia đình sống dựa vào nguồn cung từ sản xuất táo, giờ đây trong nhà có gì giá trị ông đều phải đem bán hết.

Chứng kiến vườn táo chết dần chết mòn vì bệnh tật, ông đâm hoang mang. Liệu có khi nào việc cố sống cố chết bám víu vào niềm tin táo có thể phát triển mà không cần dùng thuốc của ông là sai rồi không? Những người nông dẫn khác coi Kimura như người điên rồ. Họ gọi ông là kẻ phá gia chi tử, khiến cả gia đình lâm vào cảnh nghèo túng chỉ vì sự cố chấp của mình. Đến đứa con gái của ông cũng nói ra những câu giận dỗi đầy đau đớn: “Con không thích. Vì cái gì mà chúng ta phải nghèo khổ như thế này? Ước mơ của bố từ khi nào lại trở thành ước mơ của con”.

Nhưng như người ta thường nói, không ai đi đến thành công một mình. Khi thành công người ta thường chỉ nhớ đến nhân vật chính. Nhưng để có được thành công đó là sự đóng góp của rất nhiều người khác. Bên cạnh ông Kimura có những con người đã hết lòng ủng hộ.

Sau bố vợ ông Kimura, phải kể đến người vợ của ông. Bà cũng là khởi đầu của việc ông từ bỏ trồng táo hóa chất sang trồng tự nhiên vì thể trạng mẫn cảm với thuốc trừ sâu. Mỗi lần đi phun thuốc về, bà nằm liệt giường cả tuần mới dậy nổi. Có lẽ vì vậy mà trong gần 10 năm gian khó kể từ khi vườn táo ngưng phun thuốc, chứng kiến mọi tài sản có giá trị trong nhà ra đi, đến bữa ăn cũng không đủ tươm tất, con cái không đủ điều kiện học hành, làng xóm chê trách nhưng bà vẫn nhẫn nhịn ủng hộ chồng. Những đêm ông Kimura tung chăn choàng dậy ra ngồi giữa trời vì lo lắng cho vườn táo hay đi lang thang như người mất trí, bà cũng lặng lẽ trở dậy theo sau để quan sát và đề phòng chuyện bất trắc.

Kimura chỉ là một nông dân kiên trì theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp không hóa chất. Tuy thế, cách suy nghĩ có phần kì lạ rằng mỗi người “ít nhất hãy làm kẻ ngốc một lần” của ông bằng cách nào đó lại truyền cảm hứng cho những con người đang bế tắc trong việc hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Khi những cây táo trong vườn đầy sâu khiến cho cả gia đình Kimura cố gắng cỡ nào cũng không thể bắt hết được, ông Kimura nói rằng không bắt hết được không có nghĩa là để cho chúng tự do hoành hành. Ít nhất là sâu trên những cây trồng ở ranh giới với mảnh vườn bên cạnh, dù thế nào cũng phải tiêu diệt hết. Không thể để vườn của người khác bị sâu hại được. Thế nhưng, người chủ vườn bên cạnh đã ủng hộ ông, họ chặt bỏ hết toàn bộ những cây táo ở ranh giới với vườn của ông Kimura. “Vì dù chỉ một chút, thuốc bảo vệ thực vật mình phun mà nhiễm sang vườn của anh Kimura thì việc trồng không thuốc bảo vệ thực vật thành ra vô ích”, người hàng xóm cho biết.

Cũng có những người bạn đôi lúc không trả được tiền điện, tiền nước đã bí mật trả giúp. Ngay cả người ta cửa hàng phế liệu nơi ông Kimura mua các máy móc cũ về sửa dùng trong vườn cũng nhiều lần không lấy tiền hàng. Trưởng chi nhánh ngân hàng nơi ông Kimura vay tiền có lần cũng không nhận tiền lãi vì “Anh trả hết rồi còn tiền đâu mà sống đúng không?”

Những năm đầu tiên táo cho thu hoạch, cũng như những năm sâu bệnh nhiều kích cỡ và chất lượng táo không ổn định nhưng khách hàng vẫn tin tưởng ủng hộ ông Kimura. Nhiều khách viết thư nói rằng “Táo không ngọt nên tôi phải chấm muối ăn nữa đấy” nhưng vẫn động viên ông Kimura hãy cố gắng lên.

32-tao-double-copy.jpg
Hoa táo nở trắng sau 9 năm chờ đợi

Đam mê và nỗ lực của ông Kimura thậm chí có thể đã làm cho cả những cây táo mủi lòng và người tê liệt cảm xúc phải thổn thức. Trong những thời khắc mà vườn táo có nguy cơ chết hết, và hết cách xoay sở, ông Kimura ở vườn cả ngày. Ông đi đến từng gốc táo để thì thầm nói chuyện với chúng. Sự thực là ông cầu xin những cây táo đừng có chết.

Không biết có phải vì vậy mà những cây táo cũng gắng gượng đợi cho đến khi ông Kimura tìm ra bí mật của tự nhiên. Do ngại hàng xóm nhìn thấy mình nói chuyện với các cây táo nên ông Kimura đã không nói chuyện với một hàng cây sát hàng rào. Sau những đợt sâu bệnh tàn phá, có những cây mà ông đã nói chuyện đã chết đi nhưng điều kỳ lạ là tất cả những cây ở hàng rào, nơi mà ông Kimura không nói chuyện, đều chết hết. “Chắc vì tôi ngốc quá nên cây táo mới ra quả”, sau này ông Kimura thường hay nói thế.

Sau khi chương trình vườn táo kỳ diệu của ông Kimura lên sóng Đài Truyền hình Nhật Bản NHK vào năm 2006, có hàng ngàn người hâm mộ điện thoại và email gửi tới tỏ lòng ngưỡng mộ. Vào một ngày có một chiếc xe hơi đến nhà ông Kimura, trên xe bước xuống 3 người đàn ông cao lớn bặm trợm. Dáng vẻ của họ làm ông Kimura e ngại, dù gì ông cũng đã đụng độ với xã hội đen hồi còn làm thêm trên thành phố và bị chúng đánh đập đến mức suýt bỏ mạng.

Ba người đàn ông tiến lại phía ông Kimura và một người đưa điện thoại ra hỏi: “Ông có thể nói điện thoại được không?”.

Đầu bên kia là một ông trùm xã hội đen. Ông ta cho biết đã xem chương trình của Đài NHK và cảm thấy rất xúc động. “Tôi đã khóc khi xem chương trình. Tôi hy vọng một ngày nào đó hai chúng ta có thể ngồi uống rượu với nhau”.

32-bi-quyet-copy.jpg

Phương Thảo