Vị thế

Doanh nhân dân tộc và nhân hiệu

Nguyễn Châu Linh (*) 14/02/2024 20:00

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện những người giàu có với sản nghiệp được bồi đắp từ buôn bán, sản xuất công nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, những người giàu ấy khẳng định được khát vọng làm giàu một cách chân chính, thể hiện sự độc lập, tự chủ của người Việt Nam. Chính vì thế, họ được người dân kính trọng gọi là “nhà tư sản dân tộc”.

Để trở thành doanh nhân dân tộc

Trước khi bàn về vị thế của một doanh nhân dân tộc, phải đi từ việc Việt Nam đã hội nhập kinh tế tương đối sâu rộng với thế giới. Thế nên, khi kinh tế thế giới lâm vào thế khó, kinh tế Việt Nam cũng gặp rất nhiều thách thức. Nhưng từ khủng khoảng tài chính quốc tế 2008, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và nay là xung đột Nga - Ukraina, cộng đồng doanh nhân Việt Nam vẫn luôn tìm mọi cách để tồn tại và vươn lên; một mặt bám sát thị trường trong nước, mặt khác tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Rõ ràng, trong khó khăn, doanh nhân, doanh nghiệp năng động hơn, nhiều đổi mới sáng tạo hơn.

Doanh nhân dân tộc vốn mang sẵn trong mình tinh thần dân tộc và tinh thần doanh nhân Việt. Đó là tinh thần xuất phát từ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Thế nên khi hội nhập kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam chứng minh mình không thua kém so với doanh nhân các nước về tài năng, trí tuệ, sự tử tế. Chính tinh thần dân tộc đã hun đúc bản lĩnh doanh nhân và trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để trở thành doanh nhân dân tộc thì phải giữ vững tinh thần của một doanh nhân và mạnh dạn bước ra thị trường thế giới với tinh thần dân tộc vốn có.

bac-ho-voi-cong-thuong-1946_w_660.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945

Doanh nhân dân tộc đã thể hiện phẩm chất và tinh thần của người Việt Nam. Nếu không mang phẩm chất và tinh thần ấy ra thế giới trong giao thương kinh tế thì rất khó để bạn bè các nước hiểu đúng về khả năng, trí tuệ, sự cần mẫn của dân tộc Việt. Và nếu không thể giới thiệu, chứng minh những điểm đáng tự hào ấy thì việc thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh sẽ gặp khó khăn.

Hầu hết chủ doanh nghiệp đều có điểm tương đồng khi thành lập công ty, đó là tạo việc làm cho nhiều người, là việc đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài lợi ích về tài chính, tinh thần tự hào dân tộc của giới doanh nhân dân tộc luôn được khẳng định.

Không cần phải đặt mục tiêu quá lớn, trước nhất, hãy là một điểm sáng trong giới doanh nhân gia tộc, đó là vừa kế thừa những thế hệ đi trước trong gia tộc vừa thể hiện bản lĩnh, khả năng sáng tạo trong thời điểm hiện tại. Có như thế, khi trở thành một doanh nhân gia tộc thì chủ doanh nghiệp sẽ mỗi lúc một vững vàng, tự tin bước ra thế giới. Những gia tộc lớn trên thế giới như: Samsung, Honda, Rockefeller… đã chứng minh được sự đúng đắn của hướng đi này, và đó là những bài học thực tế mà giới doanh nhân Việt Nam tham khảo và học hỏi.

Và khi đã trở thành một doanh nhân gia tộc thành công, vẫn dành tâm huyết để lại di sản cho thế hệ kế thừa, thì đã khẳng định được bản thân như “một cây cổ thụ giữa rừng mưa”, vừa tạo nên niềm tự hào tộc họ vừa xây dựng được một thương hiệu cho đất nước.

Lời giải cho thế hệ kế thừa

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành vào ngày 10/10/2023 càng nhấn mạnh đến việc “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Nghị quyết 41 hướng đến thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi và bình đẳng; hướng đến việc phát triển một số doanh nghiệp đạt tầm khu vực và thế giới nhằm góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là ưu tiên hàng đầu.

Mục tiêu ấy chỉ thực hiện được khi mỗi doanh nhân luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Và trong hành trình vươn lên ấy, người chủ doanh nghiệp phải vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo.

Nếu tìm lời giải chung cho thế hệ doanh nhân kế thừa, có lẽ chỉ bám sát hai tiền đề: Tinh thần doanh nhân và tinh thần dân tộc.

Thế hệ trẻ rất giỏi, rất sáng tạo, tiếp cận với khoa học - công nghệ rất nhanh, thế nên, phần mà những doanh nhân dân tộc thế hệ trước cần trao truyền lại đó là đạo đức kinh doanh, tự tin nhưng khiêm nhường và luôn đổi mới sáng tạo, học hỏi kiến thức từ bạn bè quốc tế nhằm phát triển bản thân và doanh nghiệp.

Nghị quyết 41 đã cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến của doanh nhân để góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, nhân dân hạnh phúc.

Tinh thần dân tộc Việt mà bất kỳ người Việt Nam nào khi sinh ra cũng đã có sẵn trong mình. Nhưng là thế hệ đi trước, chúng ta không thể không nhắc nhở thế hệ doanh nhân trẻ những vấn đề quan trọng trong việc xây dựng và khẳng định uy tín của mình trên thương trường. Đây không đơn giản là uy tín của một cá nhân hay một doanh nghiệp mà còn là niềm tự hào dân tộc Việt, tự hào sản phẩm Việt. Thế nên, chất lượng sản phẩm được giới thiệu ra thế giới phải luôn đảm bảo, uy tín trong cam kết giao thương luôn phải giữ gìn.

Như một chân lý hay theo quy luật của tự nhiên, để có được quốc hiệu, tộc hiệu, thương hiệu cần bắt đầu từ cái gốc nhân hiệu thiện tâm, tài trí và tỉnh thức. Làm doanh nhân, làm thương hiệu cho doanh nghiệp đã khó, gánh thêm trọng trách với gia tộc, dân tộc càng khó, nhưng khi nhớ lại hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ sẽ càng biết ơn cuộc đời này: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”.

(*) Founder - CEO Tập đoàn Hành trình Kim cương - DJC

Nguyễn Châu Linh (*)