Vị thế

Tư tưởng Lương Văn Can với doanh nghiệp dân tộc

TS. Lý Tùng Hiếu 14/02/2024 18:00

Từ vài năm nay, mọi người bắt đầu làm quen với thuật ngữ “doanh nghiệp dân tộc”. Nhưng những ý niệm đầu tiên về nó đã ra đời ở Việt Nam từ một trăm năm trước, khi các doanh nhân như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Trần Chánh Chiếu, Trương Văn Bền… khởi nghiệp kinh doanh và cổ động quốc dân “chấn hưng thực nghiệp”, “chấn hưng thương trường”.

Trong bối cảnh công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ hiện đại đều nằm trong tay ngoại nhân (Pháp, Hoa, Ấn), giấc mộng lớn của các doanh nhân ấy là sự hình thành các doanh nghiệp dân tộc hùng mạnh, cạnh tranh hiệu quả với doanh nghiệp của ngoại nhân, đem lại quyền lợi công bằng cho người Việt Nam và sự phú cường cho dân tộc Việt Nam. Đó là cơ sở hình thành tư tưởng kinh doanh gắn với lợi ích dân tộc của danh nhân Lương Văn Can.

Kim chỉ nam quán xuyến trong tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can là hướng tới doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc, và dẫn đạo cho doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc.

Trước tình trạng yếu kém của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, Lương Văn Can nhiều lần kêu gọi doanh nhân Việt Nam ý thức tầm quan trọng của kinh doanh thực nghiệp trong sự nghiệp chấn hưng nội lực của quốc gia: Trong tác phẩm Thương học phương châm (1928), cụ viết: “Thậm chí nước bảo hộ lập nhà băng ở Đông Pháp, mà người mình cũng không ai làm được quản lý, lại có người hợp cổ một hai vạn khai trương buôn bán chỉ một hai năm mà thất bại ngay, thậm chí đến cả nước mà không có một cái đại công ty nào, tiền đồ kinh tế nước ta bao giờ cho có tiến bộ, anh em trong thương giới đã nghĩ đến chưa?” (Tr. 33).

Tuy nhiên, theo Lương Văn Can, nguyên nhân yếu kém của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là ý thức mà còn là tri thức và đạo đức kinh doanh quá kém. Do đó, để có thể chiếm được địa vị ưu thắng trước ngoại nhân, trong hoạt động, người kinh doanh cần phải học hỏi và thực hành kinh doanh cho đúng phép. Cụ thể là cần phải có “thương học” (khoa học về thương mại), “thương đức” (đạo đức kinh doanh), “thương tài” (tài trí kinh doanh). “Mấy năm nay thương giới không phải là không có tiến bộ, nhưng mà xem các thành phố của ngoại hóa thì tiêu thụ nhiều hơn, của nội hóa thì tiêu thụ ít kém, người nước mình lại có tính quý ngoại hóa mà khinh nội hóa, nhà buôn mình lại ít thương đức thương tài lại ít làm quảng cáo, nhẽ nào thương nghiệp chẳng suy lạc kém người. Quốc dân ôi! đồng bào ôi! đứng trong thương trường, nghĩ sao cho chiếm được địa vị ưu thắng, đừng để người ngoài cười rằng ta không biết kinh thương” (Tr. 13).

Cái “thương đức” quan trọng nhất theo Lương Văn Can, là “bình tâm công đạo”. Trong Kim cổ cách ngôn (1925), cụ viết: “Cốt phải lòng công đạo công, nhưng của gì có lợi tự nhiên mình cứ theo lẽ tự nhiên, thời không có lòng nghĩ càn mà không đến nỗi phải mạo hiểm”. Tức là trong việc kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần có cái “tâm” và cái “đạo” công bằng, công chính, không thiên lệch, không tư túi. Người kinh doanh có “bình tâm công đạo” không chỉ nghĩ cho mình mà còn nghĩ đến phần hơn thiệt của đối tác, của khách hàng, của xã hội. Để từ đó, kinh doanh sao cho cân bằng giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, vừa thu lợi cho mình vừa làm lợi cho người. Đó là con đường kinh doanh bền vững vả thành công bền vững.

lvc.jpg

Thành công bền vững trong kinh doanh để làm gì? Để trở nên giàu có. Đương nhiên rồi. Nhưng đối với Lương Văn Can, kinh doanh thành công còn là để hướng tới mục tiêu dân giàu và nước mạnh, để đất nước có thể sánh vai các quốc gia hùng cường. Khác với quan điểm xóa nhòa biên giới quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, Lương Văn Can luôn đề cao tinh thần dân tộc trong tư tưởng kinh doanh của mình. Theo cụ, sự vươn lên của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chính là tiền để và biểu hiện của sự hưng vượng của xã hội, của quốc gia. Trong Thương học phương châm (1928), cụ viết: “Người ta đối với chức nghiệp của mình vẫn là nên an phận hết sức, nhưng cũng phải cố chí tiến thủ mà không nên tự hạn, đời cũng có người thủ phận chỉ cầu giữ lấy địa vị hiện tại không mong phát đạt nhớn [lớn] hơn lên, thế là người trí lực bạc nhược không quý gì đầu. Ôi! thế giới tiến hóa vô cùng thì người ta tiến thủ cũng phải vô cùng, nếu không gắng sức tiến thủ thời không thành được sự nghiệp lớn, không có người làm được sự nghiệp lớn thì quốc gia xã hội không bao giờ chấn khởi lên được” (Tr. 21).

Như vậy, Lương Văn Can đã không dừng lại ở khẩu hiệu chấn hưng thực nghiệp, chấn hưng thương trường, mà tiến tới phát triển một tư tưởng kinh doanh với ba điểm nhấn: doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần trang bị tri thức kinh doanh, có đạo đức kinh doanh, và có lý tưởng kinh doanh vì dân tộc.

Không những thế, tư tưởng đó còn trở thành kim chỉ nam quán xuyến trong hành động của Lương Văn Can, với các hoạt động hợp tác và tán trợ các doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc.

Trong gần chín năm chịu án lưu đày sang Nam Vang (Campuchia), Lương Văn Can đã cùng phu nhân Lê Thị Lễ, con gái Lương Thị Trí, con rể Nguyễn Chỉ Tín, và con dâu Nguyễn Thị Hồng Đính xây dựng thành công một doanh nghiệp gia đình, vừa sản xuất vừa buôn bán xuyên biên giới. Đó là một mạng lưới bao gồm cửa hàng vải số 4 Hàng Đào, Hà Nội của Lê Thị Lễ và Lương Thị Thi, Lương Thị Trí (1910-1927); hiệu buôn Đại Thanh ở Nam Vang của Lương Thị Trí và Lương Ngọc Môn, Nguyễn Chỉ Tín (1916-1921); hiệu buôn Hưng Thạnh ở Nam Vang của Nguyễn Thị Hồng Đính (1917-1931); hiệu buôn Nam Gia ở Nam Vang của Trần Đình Sóc (1917-1931). Mạng lưới này phối hợp chặt chẽ với các thương gia Việt Nam Hà Nội và Sài Gòn để đặt hàng đưa sang Nam Vang và Campuchia. Lợi tức thu về được đại gia đình của cụ dùng làm việc nghĩa, đặc biệt là để trợ giúp công cuộc giải phóng dân tộc.

Tóm lại, cả trong tư tưởng và hành động, Lương Văn Can đều nhắm tới hai mục tiêu: sự vươn lên của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; và kết quả của sự vươn lên đó là sự hưng vượng của xã hội, của dân tộc Việt Nam.

TS. Lý Tùng Hiếu