Đón rồng

Nhớ mùi diêm sinh năm ấy…

Dany Võ Thành Đăng (*) 14/02/2024 07:00

Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là thời điểm đặc biệt hơn cả vì còn có ngày Tết cổ truyền của dân tộc, là dịp để sum vầy. Dù đã trải qua 40 lần đón Tết cả ở Việt Nam và nước ngoài, nhưng năm nào cũng vậy, giai đoạn trước Tết luôn làm tôi bồi hồi.

Nhiều người hỏi tôi Tết ở Việt Nam và Tết xa xứ có gì giống và khác nhau.

Tôi đã trải qua nhiều năm xa quê, sinh sống và làm việc ở Singapore và New Zealand, đến giờ vẫn nhớ rõ những cái Tết nơi xứ người. Điểm chung của mùa đoàn viên này là dù ở bất cứ đâu thì Tết vẫn mang đến niềm vui, sự háo hức chào đón năm mới và tiễn đưa những bộn bề, chuyện không vui của năm cũ. Điểm khác nhau cũng nhiều lắm.

thumbnail-xuan-tr90.jpg

Ở New Zealand, Tết Nguyên đán người ta vẫn đi làm bình thường vì họ chỉ đón Tết Tây. Còn ở Singapore, do cộng đồng người Hoa đông đúc nên chúng tôi được nghỉ Tết dài hơn, cũng có nhiều hoạt động đón Tết hơn. Vào những ngày Tết, cộng đồng người Việt thường bày biện mâm cỗ tươm tất để cúng ông bà tổ tiên, thắp hương cảm tạ trời đất, tụ họp bạn bè để ăn bữa cơm chung và không thiếu những hoạt động truyền thống đi chúc Tết, đi chùa cầu phước...

Vui thì vui vậy, nhưng cũng ngậm ngùi lắm. Nhớ quê!. Nhớ cái không khí quen thuộc, nhớ ông bà, cha mẹ, nhớ tiếng Việt thân thương, nhớ mùi bánh chưng, bánh tét quẩn quanh trong xóm... Rồi vừa nhớ vừa tủi thân không cầm được nước mắt, gọi điện về thăm gia đình cũng không đủ vơi đi nỗi cô đơn của kẻ xa quê.

Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, cứ đến Tết là tôi và lũ bạn háo hức chạy coi người ta đốt pháo. Dù bị suyễn nhưng tôi mê cái mùi diêm sinh lắm, mê cái màu đỏ xác pháo trải khắp ngõ lớn ngõ nhỏ như trận mưa hoa. Hồi đó mà có máy chụp ảnh chắc tôi sẽ chụp cả ngàn bức ảnh cảnh lũ trẻ chúng tôi chạy chơi trên xác pháo, nụ cười rạng rỡ vô lo. Sau này Nhà nước cấm đốt pháo, cứ đến Tết là tôi ngẩn ngơ nhớ, cảm thấy thiếu đi một cái gì đặc trưng - là âm thanh đì đùng, là mùi khen khét, là sắc đỏ tươi của ngày đầu năm mới.

Đốt pháo này vẫn được duy trì ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những nơi có cộng đồng người Việt đông đúc. Những ngày Tết xa quê tôi lại được chứng kiến cảnh này, lại được nghe mùi diêm sinh quen thuộc, cũng coi như an ủi “đứa trẻ” bên trong mình. Người Việt xa xứ ở nước ngoài sau màn đốt pháo giao thừa sẽ mừng tuổi ông bà, lì xì trẻ nhỏ, kéo nhau đi chùa rồi về quây quần sum họp, xem đây là dịp gắn kết gia đình, kết nối với quê hương nên trân trọng từng nét văn hóa. Dù ở xa nhưng chúng tôi vẫn gói bánh chưng, bánh tét, vẫn có dưa hành, củ kiệu, tuy khác không gian nhưng tấm lòng hướng về quê hương đã xoá nhoà mọi khoảng cách địa lý.

90-diem-sinh(1).jpg

Tôi thấy có khi người Việt ở nước ngoài ăn Tết còn “truyền thống” hơn trên đất nước mình. Mấy năm nay ăn Tết Việt Nam, gặp nhiều người hơn, gần gũi họ hàng hơn nhưng tôi thấy phong tục Tết xưa không còn đậm nét. Có thể giới trẻ bây giờ muốn đơn giản hóa mọi thứ nên Tết họ chỉ ở nhà ngày mùng một cho phải phép, sau đó lại du lịch. Bánh chưng, bánh tét cũng ít nhà tự gói mà mua cho mau lẹ. Cảnh gia đình quây quần dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cũng dần vắng, đặt dịch vụ từ các công ty dọn dẹp cho nhanh gọn, tiết kiệm công sức, thời gian. Ừ thì cũng có cái tiện lợi, nhưng tôi vẫn thấy tiếc, vẫn nhớ không khí tất bật trước Tết hồi xửa hồi xưa, mệt mà vui.

Gia đình tôi đến giờ vẫn cố gắng duy trì những phong tục ngày Tết từ xưa truyền lại, như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, chúc Tết, lì xì... “Ôn cố tri tân”, phải bảo tồn được văn hóa truyền thống thì gốc rễ của một đất nước mới vững bền.

Nhân đây tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Nhà nước Việt Nam, các cấp lãnh đạo đã quan tâm đến tinh thần của người Việt ở nước ngoài. Hằng năm, Nhà nước đều tổ chức chương trình Xuân quê hương để chào đón kiều bào về thăm quê, cũng như đưa các đoàn nghệ sĩ ra nước ngoài biểu diễn. Điều đó khiến những người Việt xa xứ ấm lòng. Dù đi đâu, ở đâu người Việt vẫn chảy chung một dòng máu của cha Long Quân, mẹ Âu Cơ, vẫn yêu thương quê hương da diết.

Nhân dịp năm mới, chúc mọi người bình an, vui vẻ, chuyện cũ bỏ qua, đón chào một năm Rồng thuận lợi. Có ăn Tết cũng nhớ dành thời gian cho gia đình để chữ “đoàn viên” được trọn vẹn đủ đầy.

(*) Phó chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM

Dany Võ Thành Đăng (*)