Vị thế

Từng bước chuyển giao thế hệ - bước ngoặt sống còn và thành công từ Tập đoàn Tân Đông Hiệp: Cùng khao khát đưa doanh nghiệp gia đình vươn lên tầm cao mới

Lữ Ý Nhi 13/02/2024 18:00

Trong các công ty gia đình ở Việt Nam, Tập đoàn Tân Đông Hiệp do bà Lý Kim Chi điều hành trong vai trò Chủ tịch HĐQT đã ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững và đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Hiện nay, người con trai của bà - một thanh niên từng làm việc cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang dần kế nghiệp để quản lý Tập đoàn, thông qua bằng việc dung hòa giữa những giá trị cốt lõi tạo nên thành công của công ty gia đình và ý tưởng, kiến thức kinh doanh mới để phát triển Tập đoàn Tân Đông Hiệp.

Phải tạo điều kiện để hộ kinh doanh vươn lên thành DN gia đình

* Khi nhắc đến công ty gia đình, nhiều người nghĩ đến DN có quy mô nhỏ, người trong cùng gia đình hay dòng họ điều hành, có những cuộc tranh giành quyền lực hay quyền thừa kế và ít được người lao động tín nhiệm khi chọn lựa nơi làm việc. Góc nhìn của bà về nhận định này?

- Theo tôi, nghĩ như vậy là không chính xác. Trên thế giới có nhiều công ty gia đình có mức vốn hóa hàng trăm tỷ USD, sử dụng hàng vạn lao động, kinh doanh nhiều lĩnh vực. Trong số đó có những công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán được gọi là công ty đại chúng nhưng sự hình thành và phát triển của nó luôn gắn liền với sự điều hành bởi một nhóm thành viên trong gia đình hoặc một gia tộc nào đó. Đơn cử như đế chế điện tử Samsung của Hàn Quốc, đế chế bán lẻ Walmart, hay tập đoàn công nghệ phần mềm hàng đầu Oracle của Mỹ đều là những công ty gia đình.

Đã là công ty thì phải cạnh tranh để tồn tại và phát triển, bao gồm cạnh tranh để thu hút lao động bằng chính sách lương, thưởng, phúc lợi xã hội. Khi công ty gia đình đáp ứng được nhu cầu của người lao động thì họ tìm đến làm việc. Người lao động không phân biệt công ty gia đình hay không phải công ty gia đình.

doanh-nhan-1936.jpg

Việc tranh giành quyền thừa kế thì ở đâu cũng có, không phải chỉ riêng ở công ty gia đình. Ví dụ khi cha mẹ qua đời, để lại tài sản thì các con của họ vẫn có thể tranh chấp quyền thừa kế. Có công ty gia đình quy mô lớn trên thế giới, người điều hành chết đi, có thể xảy ra tranh chấp về quyền thừa kế và quản lý, nhưng truyền thông đưa tin “quá tích cực” khiến người ta cứ nghĩ đã là công ty gia đình thì gắn liền với tranh chấp quyền lực.

* Theo bà, vai trò của DN dân tộc đối với sự phát triển của đất nước như thế nào?

- DN phát triển thì cả nước phát triển. Tương tự như việc mỗi cá nhân, mỗi gia đình cố gắng làm giàu thì đất nước trở nên giàu mạnh. Nhưng DN phải phát triển một cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường, an sinh xã hội, giải quyết được việc làm cho người lao động và đóng thuế đầy đủ. Để DN dân tộc phát triển thì Nhà nước phải có chính sách xây dựng nền kinh tế phù hợp, có cơ chế thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

* Cụ thể, thưa bà?

- DN mong muốn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ các cấp chính quyền thông qua chính sách phù hợp. Thứ nhất là thủ tục hành chính. Mỗi lúc gặp khó khăn thì chính sách kinh tế phải linh hoạt thay đổi, nhưng trong những năm qua việc thay đổi chính sách vẫn chậm và chưa đủ như kỳ vọng. Do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của không ít công chức khiến nhiều thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, về xây dựng, hải quan, thuế, tín dụng ngân hàng vừa rắc rối vừa kéo dài làm tăng chi phí không nhỏ. Thứ hai, phải giải quyết được nguồn vốn để kinh doanh. Phải có chính sách hỗ trợ về tín dụng với lãi suất phù hợp, thậm chí là thấp để DN dễ tiếp cận. Thứ ba, phải có chính sách hỗ trợ DN về hợp tác, kết nối, mở rộng giao thương với DN nước ngoài, có chính sách kích cầu tiêu dùng.

* Theo TS. Lê Đăng Doanh là phải tạo điều kiện để hộ kinh doanh vươn lên thành DN gia đình. Theo bà, điều kiện ấy là gì?

- Trước hết là làm sao để chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hiện nay có nhiều gia đình, tiểu thương đăng ký kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể. Mô hình này tồn tại rất nhiều hạn chế, như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo tôi, cần hỗ trợ cập nhật kiến thức vận hành DN để hộ kinh doanh biết lợi ích khi chuyển đổi qua mô hình DN để phát triển. Nếu tôi nhớ không nhầm, theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, DN gia đình hiện chiếm 70% số lượng DN tại Việt Nam, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là DN siêu nhỏ. Điều này cho thấy DN gia đình có vai trò quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế nước ta.

* Với riêng bà, năm 2024 chắc có nhiều kế hoạch kinh doanh…

- Có những dự án như xây dựng khu dân cư, chung cư, nhà ở xã hội, trường học tôi đã chuẩn bị pháp lý từ nhiều năm trước, đến nay sắp hoàn tất nên phải tập trung nguồn lực để triển khai. Tôi cũng tìm kiếm cơ hội và đối tác để phát triển mảng lương thực - thực phẩm, các lĩnh vực mới như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch để tạo việc làm cho người lao động.

* Nếu hiến kế để phát triển kinh tế TP.HCM thì bà sẽ…

- Để kinh tế tăng trưởng mạnh, tôi rất mong lãnh đạo và các sở ban ngành Thành phố thực hiện thật tốt cơ chế, chính sách mà Nghị quyết 98 của Quốc hội đã ban hành, đặc biệt là sớm trình Chính phủ thông qua nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM để giải quyết triệt để những điểm nghẽn hiện nay. Riêng với ngành lương thực - thực phẩm, tôi nghĩ phải có cơ chế đẩy mạnh liên kết vùng, mở rộng nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Như tôi đã nói ở trên là phải kích cầu tiêu dùng bằng những chương trình bán hàng bình ổn giá, tăng cường sức mua.

“Mẹ đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê kinh doanh”

Khi cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và bà Lý Kim Chi sắp kết thúc thì con trai bà - anh Bùi Hữu Tài vừa về. Thật may mắn, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện anh.

* Thưa anh, gánh vác một phần việc của công ty gia đình, anh có cảm thấy áp lực?

- Tôi tự hào có mẹ là doanh nhân. Từ nhỏ tôi đã được mẹ dạy những bài học vô cùng quý giá về quản lý và thương trường nên đã sớm khơi dậy trong tôi niềm đam mê kinh doanh. Sau thời gian học tập và làm việc cho một số công ty đa quốc gia ở nước ngoài, tôi quyết định đem kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được về Việt Nam để phát triển sự nghiệp mà mẹ đã gầy dựng suốt 30 năm. Tôi luôn tin rằng việc thừa hưởng, phát triển công việc kinh doanh của gia đình là trách nhiệm, là vinh dự. Việc thay đổi môi trường và cách làm việc là một thử thách không nhỏ, nhưng tôi là một người trẻ đam mê chinh phục thử thách. Làm ở đâu và làm gì cũng có áp lực, tôi đã nghĩ thế và quyết tâm đồng hành cùng mẹ để từng bước hoàn thiện mình, vững tay chèo đưa DN của gia đình phát triển.

5j0a6872_large.jpg

Thế hệ doanh nhân như mẹ tôi có khát vọng, hoài bão rất lớn, và đi kèm là tư duy sinh tồn, tính tự lập rất cao và ý chí vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Những yếu tố ấy đã hình thành bản lĩnh kinh doanh để đưa ra những quyết định tối ưu đưa công ty đến thành công. Thế hệ trẻ như tôi bây giờ lại thiên về nắm bắt cơ hội, trào lưu mới để áp dụng vào việc kinh doanh với mục đích đạt được doanh thu cao trong thời gian ngắn nhất.

* Nhiều người cho rằng kế thừa sự nghiệp gia đình là phải “vượt sướng”.

- Tôi hiểu “vượt sướng” là dám bước qua những điều kiện thuận lợi, an nhàn để đến với khó khăn, thử thách. Thế hệ doanh nhân trẻ có những thách thức riêng, như việc cạnh tranh khốc liệt trên mọi phân khúc thị trường do toàn cầu hoá, việc nâng cấp, thay đổi mô hình kinh doanh và phương thức vận hành DN để bắt kịp xu hướng thời đại, hay yêu cầu sáng tạo không ngừng trong quản trị để tối ưu hoá hiệu suất công việc. Thách thức của từng thời đại luôn khác nhau nên cần kỹ năng khác nhau để giải quyết. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà nhiều doanh nhân trẻ khác đang trong giai đoạn kế thừa, lúc nào cũng khao khát thể hiện bản thân bằng việc đưa doanh nghiệp gia đình vươn lên tầm cao mới.

* Gia nhập công ty gia đình khi mô hình kinh doanh đã định hình và đã có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, theo anh đó có phải là thuận lợi?

- Thuận lợi là gần như mọi thứ đã được định hình sẵn. Tôi được kế thừa công việc từ mẹ và công ty của gia đình mình từ vận hành bài bản và hiệu quả đến các mối quan hệ kinh doanh uy tín được thiết lập và củng cố qua nhiều năm, và quan trọng nhất là kinh nghiệm trong kinh doanh mà thế hệ đi trước phải bỏ rất nhiều trí tuệ và sức lực mới có được. Nhưng cũng có áp lực là không dễ để thay đổi những thứ đã được định hình vững chắc. Việc áp dụng bất kỳ kiến thức hay ý tưởng mới nào vào việc kinh doanh của công ty gia đình cũng cần nhiều thời gian để được các thành viên thấu hiểu và đồng hành. Người Việt Nam có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”, nên áp lực còn là phát huy chứ không chỉ là kế thừa những gì mẹ đã làm. Với tôi, việc dung hoà giữa những giá trị cốt lõi tạo nên thành công của công ty gia đình và ý tưởng mới để phát triển DN chính là nhiệm vụ của người kế thừa.

* Theo anh thì đâu là sự khác biệt giữa hai thế hệ doanh nhân?

- Sự khác biệt về quan điểm giữa các thế hệ trong gia đình là khó tránh khỏi. Tôi nghĩ, để dung hòa và tạo ra sự cân bằng, hài hòa giữa hai thế hệ doanh nhân phải có thời gian và có thể khẳng định là tôi và mẹ đã rất thành công khi hài hòa rất tốt sự khác biệt này để tạo ra giá trị cho DN chúng tôi.

Thế hệ doanh nhân như mẹ tôi có khát vọng, hoài bão rất lớn, và đi kèm là tư duy sinh tồn, tính tự lập rất cao và ý chí vượt qua bất kỳ khó khăn nào. Những yếu tố ấy đã hình thành bản lĩnh kinh doanh để đưa ra những quyết định tối ưu đưa công ty đến thành công. Thế hệ trẻ như tôi bây giờ lại thiên về nắm bắt cơ hội, trào lưu mới để áp dụng vào việc kinh doanh với mục đích đạt được doanh thu cao trong thời gian ngắn nhất. Vì thế, trước khi thực hiện một dự án bất kỳ, tôi luôn áp dụng kỹ thuật phân tích thị trường, tài chính cũng như đánh giá rủi ro.

Những điểm khác biệt giữa hai thế hệ doanh nhân tôi vừa nói có thể bổ sung cho nhau. Ví dụ như một dự án mới ở công ty gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sẽ được sàng lọc, đánh giá bằng cách vận dụng 30 năm kinh nghiệm thương trường của thế hệ lãnh đạo đi trước và những chỉ số kỹ thuật của thế hệ sau để giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, khi có mẹ, tôi cảm thấy vững tâm để theo đuổi dự án đến cùng dù có gặp bất trắc.

Tuổi tác cũng là sự khác biệt nhưng lại bổ sung cho nhau. Là người đứng đầu DN thì việc tiếp xúc với lãnh đạo các tập đoàn lớn, các tổ chức trong và ngoài nước, với độ tuổi mẹ tôi là rất phù hợp, còn tôi có thể mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới từ các mối quan hệ quốc tế.

* Anh dự dịnh làm gì cho Tân Đông Hiệp trong năm 2024 và tiếp theo?

- Tôi đang thực hiện hai bước chuyển đổi quan trọng cho DN của mình, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là hai mảng công việc mà tôi đang phụ trách.

Để chuyển đổi, trước hết phải có dữ liệu. Tôi phân loại thông tin và dữ liệu quan trọng cần số hoá, mức độ ưu tiên, đồng thời áp dụng công cụ và phương pháp phù hợp để chuyển đổi dữ liệu. Sau công đoạn này, sẽ đầu tư công nghệ để chuyển đổi toàn diện để dữ liệu dễ dàng quản lý, truy cập và chia sẻ, nhưng phải an toàn và bảo mật.

Đối với chuyển đổi xanh, bước đầu tôi đặt mục tiêu sử dụng năng lượng thật hiệu quả, tạo không gian xanh tối đa nơi làm việc. Tôi khai thác tối đa nguồn năng lượng mặt trời để chiếu sáng đường nội bộ và công trình công cộng, cung cấp điện năng phục vụ sản xuất một số khu xưởng. Tài nguyên nước cũng được khai thác hiệu quả. Công ty tôi có nhà máy đảm bảo xử lý 100% nước thải. Tôi đang tìm kiếm đối tác để đầu tư công nghệ Net-Zero ở các cụm, khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện DN được cấp chứng chỉ trung hoà carbon, giúp DN được ưu đãi thuế môi trường theo công ước quốc tế và góp phần bảo vệ môi trường.

* Từng làm việc cho DN nước ngoài, mô hình công ty gia đình nào mà anh học được?

- Tôi có cơ hội tìm hiểu về mô hình công ty gia đình Wallmart - DN bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, trong đó có một số mô hình có thể vận dụng ở DN của mình. Thứ nhất là khi cùng quản trị công ty gia đình thì mỗi thành viên giữ một lĩnh vực hay một công ty con. Phải có những nguyên tắc cơ bản để giữ hòa thuận giữa các thành viên. Thứ hai, đứa trẻ trong gia đình được giáo dục ngay từ nhỏ về ý thức lao động, ý thức tiết kiệm. Thứ ba, người kế thừa quản lý công ty phải có tố chất lãnh đạo nổi trội hơn các thành viên khác, có cổ phần áp đảo để tránh việc tranh chấp về quyền lực và quyền thừa kế.

Tôi cũng có cơ hội tìm hiểu mô hình một số Cheabol của Hàn Quốc. Trước đây, nhiều Cheabol quan niệm rằng gia tộc phải thuê quản lý chuyên nghiệp, còn chuyện kiểm soát sẽ được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng sai lầm mà một số công ty gia đình mắc phải đó là vấn đề người uỷ quyền - người thừa hành do thông tin bất cân xứng. Giờ đây một số công ty gia đình ở Hàn Quốc nhận ra rằng giải pháp tốt hơn là lấy người trong gia đình làm quản lý, người đó sẽ hiểu rõ hơn về văn hoá cũng như những điểm mạnh nhất của gia tộc.

* Xin cám ơn bà và anh về những chia sẻ!

Lữ Ý Nhi