Bản lĩnh

Chuyện “Vua hàng hiệu”

Ý Nhi 13/02/2024 06:00

Những ngày cận Tết nguyên đán, khi hỏi: “Vua hàng hiệu” năm nay đón Tết ra sao và niềm vui cùng Thành phố năm qua thế nào, ông vui vẻ trả lời: “Năm nay kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vui vì Chính phủ đã có nhiều chính sách tốt, động viên tinh thần doanh nhân và tạo động lực cho TP.HCM tăng trưởng như Nghị quyết 98 cơ chế đặc thù cho Thành phố, Nghị quyết 41 đề cao vai trò doanh nhân với đất nước…”.

johnathan-hanh-nguyen-9792-1-.jpg

Với ông “vua hàng hiệu” Chủ tịch Tập đoàn IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn, sứ mệnh của ông với đất nước, quê hương cũng chính là hành trình ông đã làm và gắn bó suốt từ ngày trở về Việt nam sống và làm việc. Chặng đường gần 40 năm năm qua của ông vua hàng hiệu đã gắn bó với sự phát triển kinh tế của TP.HCM và Việt Nam nói chung. Ông tự nhận, xứng đáng là một doanh nhân dân tộc.

Ngoài vai trò Chủ tịch IPPG, hiện ông vua hàng hiệu này còn là Chủ tịch của Công ty CP - DV Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CRTC), và Công ty CP Vận chuyển Hàng không IPP Air Cargo.

Khi tôi đặt vấn đề, nhiều người muốn biết “Vua hàng hiệu ngày ấy, bây giờ… ra sao?”, ông khá hào hứng và ký ức về những ngày đầu tiên trở về với sứ mệnh đóng góp cho đất nước bắt đầu. Ông nói: “Hơn 40 năm, nhiều chuyện đã làm, nhiều việc muốn kể. Nhưng để ôn lại cái biệt danh ông “vua hàng hiệu” thì có lẽ hành trình mang thương hiệu hàng hiệu về Việt Nam vẫn làm tôi khó quên.

Đó là ngày 9/9/1985. Trên chiếc máy bay Vietnam Airline, ông trở về Tổ quốc với khát khao cống hiến cho quê hương. Ở tuổi 74, ông không còn khỏe, nhiều lần thông tin đang đi chữa bệnh khi tôi gọi điện thoại phỏng vấn nhưng sau đó, ông lại vẫn nhiều năng lượng, tâm huyết với các dự án đang khao khát thực hiện còn dang dở.

ippg-dat-cua-hang-noi-bai.jpg

Ông từng tổng kết việc mình đã làm cho Việt Nam với nhà báo Mỹ Martin Moodia: “Mười năm đầu tiên về Việt Nam tôi mở các chuyến bay và bình thường hóa mối quan hệ với chính phủ Mỹ, sau đó đưa các nhà đầu tư vào. Chúng tôi đã mang lại 47 dự án, trị giá khoảng 500 triệu USD và chúng tôi đã tạo ra khoảng 25.000 việc làm.

Mười năm thứ ba, tôi đã cố gắng thu hút càng nhiều thương hiệu quốc tế nổi tiếng càng tốt vì tôi biết rằng bất kỳ quốc gia nào muốn vươn lên tầm cao trên thế giới đều phải có ngành du lịch, không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Bên cạnh các điểm tham quan và các đặc sản địa phương, khách du lịch muốn tìm kiếm một chiếc túi Chanel, một chiếc đồng hồ Rolex, các mặt hàng của Cartier, Dolce & Gabbana… vì vậy miễn thuế là nút thắt quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào. Bước đột phá ban đầu của ông đến với ba thương hiệu nổi tiếng thế giới là Ferragamo, Burberry và Bally. Họ là những người đã mở ra cho tôi kinh doanh ngành thời trang - họ đã hỗ trợ hết mình cho tôi.

Ông tâm sự: “ Ban đầu các thương hiệu khác rất e dè vô thị trường Việt Nam, nhưng sau đó từ những quan hệ đối tác nhỏ giọt ban đầu nay thị trường hàng hiệu Việt Nam đã đầy áp những tên tuổi lớn như Hermès, Chanel và Louis Vuitton lần lượt xuất hiện. Hiện tại, IPPG đại diện cho hơn 138 thương hiệu cao cấp thế giới có mặt tại Việt Nam.

Ông cũng đưa cho tôi xem tập hồ sơ và tài liệu dày cộm - dự án xây dựng Trung tâm Tài chính cho TP.HCM cùng nhiều dự án cho Cửa hàng miễn thuế. Ông tiết lộ: “Ở các thành phố thông minh; trung tâm tài chính quốc tế; các công viên giải trí và các dự án phát triển giải trí hỗn hợp đều là các dự án đầy tham vọng nằm trong số các dự án trong kế hoạch của IPPG. “Hãy nhìn mô hình đảo Hải Nam, Trung Quốc, đó là điều tôi muốn phát triển ở đây và đang nỗ lực được thực hiện trong năm 2024 và những năm tới”, ông vua hàng hiệu nói.

Năm 2024, ông cũng mong đề xuất mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố. Ông đề xuất, mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan vì trên thế giới, mô hình này rất thành công, khẳng định được sức hút với du khách quốc tế và nội địa.

Ông chia sẻ: “Hiện nay, các nước trong khu vực đều có Outlet với quy mô hiện đại, hấp dẫn du khách các nước đến mua sắm, kể cả người Việt Nam như: Jeju Premium Outlet (Hàn Quốc), Siam Premium Outlet (Thái Lan)… Nếu Outlet của Việt Nam nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm thay vì họ phải bay đi châu Âu, châu Mỹ. Trong bối cảnh các nước trong khu vực chạy đua quảng bá, ưu đãi để kích cầu du lịch, chúng tôi đề xuất Chính phủ xem xét ban hành các chính sách đột phá để chúng ta khác biệt và bứt tốc như chính sách mua hàng cho khách du lịch quốc tế và nội địa trong khu phi thuế quan. Việc này sẽ góp phần giảm thiểu việc “chảy máu ngoại tệ” khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm. Điển hình là khi du khách nội địa Trung Quốc được mua 15.000 USD miễn thuế/người/năm, trong năm 2022, Hải Nam tăng trưởng 80% về du lịch, đầu tư tăng gấp đôi, GDP tăng 4,2 lần.

Dẫn câu chuyện chia sẻ với nhà báo nước ngoài, ông nói về vai trò của AI (trí tuệ nhân tạo) đối với tương lai của Việt Nam, cho rằng đất nước phải dẫn đầu chứ không phải theo sau công nghệ đương đại. Ông nói: “Thế hệ tiếp theo họ sẽ biết đến AI, áp dụng AI và làm việc với AI. Vì vậy chúng ta phải sẵn sàng để Việt Nam bắt kịp nhanh hơn với các nước. Đó là mong muốn của tôi ngày hôm nay. Chúng ta phải đi nhanh hơn. Hai cộng hai bằng mấy? Bốn? Không, hai cộng hai là 22”.

Áp dụng AI và làm việc với AI. Vì vậy chúng ta phải sẵn sàng để Việt Nam bắt kịp nhanh hơn với các nước. Đó là mong muốn của tôi ngày hôm nay. Chúng ta phải đi nhanh hơn. Hai cộng hai bằng mấy? Bốn? Không, hai cộng hai là 22.

Ý Nhi