Đón rồng

Bản sắc Việt qua thư pháp

Th.S. Nguyễn Hiếu Tín 12/02/2024 18:00

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. là nét văn hóa truyền thống của người Việt được thể hiện qua thư pháp.

Xin chữ, cho chữ là phong tục truyền thống mỗi dịp Tết đến, Xuân về của người Việt. Trong những ngày đầu năm, chỉ cần đến các phố ông đồ hoặc các điểm vui Xuân đón Tết là đều có thể xin được. Tại TP.HCM, có các phố lớn như phố ông đồ Nhà Văn hóa Thanh niên. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

84-thu-phap-1.jpg

Thư pháp chữ Việt trở thành phong trào rộ lên và phát triển từ năm 2000. Từ đó đến nay, số lượng người chơi chữ rất đông, đặc biệt là giới trẻ. Điều này cũng là một hiện tượng văn hoá tại TP.HCM. Vậy bản sắc của thư pháp Việt nằm ở đâu?

Đầu tiên, không phải ngẫu nhiên người Việt dùng cây bút lông viết chữ La tinh mà đó là bản sắc của dân tộc. Phương Tây chỉ viết thư pháp bằng cây viết Calligraphy, còn phương Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều dùng bút lông viết chữ tượng hình, không hề dùng bút lông viết chữ La tinh. Việt Nam dưới thời đại Hùng Vương có một văn tự riêng gọi là văn tự Khoa Đẩu, còn có tên là Hỏa Tự (là chữ viết có hình dạng giống như con nòng nọc). Sau 1000 năm Bắc thuộc, nước ta giao lưu với văn hóa Trung Quốc mới xuất hiện chữ Hán. Sau đó, đất nước phát triển theo hướng tự cường dân tộc mới sinh ra chữ Nôm, rồi đến thế kỷ 16-17, Việt Nam tiếp xúc với nền văn hoá Tây phương mới có chữ Quốc ngữ. Do đó, việc dùng bút lông viết chữ La tinh của người Việt cho thấy rõ sự giao thoa văn hóa giữa Đông - Tây, bởi lẽ cây bút lông là sản phẩm của phương Đông, còn sản phẩm phương Tây chính là chữ Quốc ngữ. Duy chỉ Việt Nam tích hợp văn hoá giữa Đông - Tây nên bản sắc là ở chỗ đó.

z5154120101692_9bf5d2fceaf783d35f49a6cb366c9cef.jpg

Thư pháp Việt thể hiện bản chất và cốt cách của người Việt. Ví dụ người Việt có tính trọng tình cảm, thể hiện rõ trong thư pháp Việt. Thư pháp Trung Quốc viết trên giấy trắng mực đen, tạo sự tương phản giữa chữ và nền, mang bút lực rất mạnh mẽ của một nền văn hoá du mục. Còn người Việt trọng tình cảm, cho nên chữ người Việt hiền hòa, nhẹ nhàng, và người Việt rất sợ viết giấy trắng mực đen. Người Việt thường vẽ nền là cây tre, hoa lá, sau đó mới viết thư pháp lên để tạo nhiều màu sắc. Điều này tạo nên nét khác biệt với thư pháp Hán, làm cho bức thư pháp dịu lại, không có độ tương phản.

z5154120105485_7581dc3ced7a8910fa66791c1e85cbc2.jpg

Tính biểu cảm trong thư pháp Việt không chỉ nằm ở hình thức là hay vẽ nền, mà còn thể hiện rõ ở nội dung là hay chọn thơ để viết. Ngoài ra, thư pháp Việt còn có tính linh hoạt. Chẳng hạn chữ “g” có người viết thẳng có người viết cong, không theo một nguyên tắc nào mà phụ thuộc vào bố cục tổng thể bức tranh lúc đó. Theo thời gian, thư pháp có tính linh hoạt cho phù hợp thời đại, như thư pháp chữ gà hay thư pháp chữ khỉ...

Cái đẹp của thư pháp hay giá trị của thư pháp nằm ở cái hồn. Cái đẹp là cái nằm đằng sau con chữ chứ không phải là con chữ, cho nên một người có hoa tay viết đẹp nhưng chưa chắc đã đẹp. Nói cách khác, khéo tay thì viết chữ sẽ đẹp nhưng còn phần hồn, phần tinh thần là phải trau dồi. Cho nên cái đẹp phải là tâm hồn đẹp cộng với hình thức đẹp.

Giá trị của thư pháp Việt

Nhìn ở khía cạnh khác, thư pháp là một pháp môn để tu tập. Chơi thư pháp sẽ rèn sức chịu đựng, rèn đức tính vượt qua thử thách. Nhờ thư pháp, người chơi sẽ hiểu được kiến văn, văn dĩ tải đạo... Cho nên cái đẹp thư pháp chính là cái cốt, nhân cách của người chơi thư pháp. Tuy nhiên, để thưởng thức được cái đẹp đó, đòi hỏi người xin chữ cũng phải hiểu điều này, chứ không phải chạy theo xu hướng.

Phần hồn của thư pháp thì không bao giờ mất đi, dĩ nhiên không thể y nguyên như thời trước mà sẽ hội nhập, nhiều trường phái sẽ xuất hiện. Mọi thứ có giá trị đều phụ thuộc vào 3 yếu tố: một là thời gian, hai là không gian, ba là chủ thể. Như vậy, thời gian văn hóa và không gian văn hóa ở mỗi thời điểm mỗi khác, dẫn đến chủ thể văn hóa cũng khác. Tư duy của người trẻ bây giờ khác với tư duy của thế hệ trước; không gian hiện nay là văn hóa công nghiệp, sẽ khác với văn hóa nông nghiệp thời trước; thời gian hiện nay là Tết thời hiện đại, thời hội nhập. Cho nên một khi còn ông đồ viết chữ đồng nghĩa là dân tộc Việt vẫn còn giữ được truyền thống hiếu học, kính chữ và yêu chữ. Đó là cái truyền thống quý báu nhất của cha ông có từ ngàn xưa, mặc dù hiện nay hình tướng có khác.

84-thu-phap-2.jpg

Ngoài ra, giá trị của thư pháp còn nằm ở cách chơi của ông đồ. Ngày xưa, Tết đến là ông đồ cho chữ một cách vô tư, nghĩa là biết bao nhiêu chữ, học hành được bao nhiêu sẽ tặng hết chứ không giống như bây giờ. Nói cách khác, cái tinh thần, cái hồn của ông đồ thể hiện qua bức tranh, truyền tải đến người nhận, sẽ khác với cái hiện nay là hình tướng quá nhiều mà cái cốt không có nên không bật lên được. Nó chỉ là cái xác không hồn!

Chơi thư pháp ngày Tết là giữ gìn phong tục của cha ông. Cha ông ngày trước có phong tục tặng chữ đầu năm và phong tục khai bút đầu năm. Khi khai bút thì mình sẽ giữ được những giá trị của năm cũ, và việc đọc nhiều cổ văn, nhiều kiến văn là đang giúp cho mình học, trau dồi bản thân. Cho nên giá trị của việc chơi thư pháp là giúp tăng khả năng tự học, đồng thời giúp khai mở trí tuệ dịp đầu năm.

Th.S. Nguyễn Hiếu Tín