Doanh nhân và sách

Quyển sách là chữ nghĩa...

Nhà văn Trịnh Bích Ngân (*) 07/02/2024 10:00

“Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa của một quyển sách phải kết hợp vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim. Thiếu những yếu tố này, quyển sách khó có được linh hồn của nó. Và thiếu linh hồn, quyển sách cũng sẽ trơ ra những con số, những thành quả và không thể đọng lại cảm xúc nơi người đọc”.

nha-van-bich-nhu.jpg

Phải nói rằng, nhìn lại một năm qua, văn học TP.HCM có nhiều tín hiệu vui. Văn hóa dần đang được nâng dần vị trí của nó mà văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh hoa của văn hóa và văn học giữ vị trí cốt lõi trong các loại hình nghệ thuật.

Sáng tác văn học thành phố năm qua lặng lẽ mà sôi động. Hội nhà văn TP.HCM đã nối kết, gắn kết và tương tác trong các hoạt động nhằm khích lệ sự sáng tạo. Nhiều buổi tọa đàm về tác phẩm tác giả trở không chỉ dừng lại buổi luận bàn về nghề nghiệp mà trở thành sự kiện văn hóa có sức lan tỏa. Nhiều tác phẩm văn học với nhiều thể loại được đến tay người đọc. Những tháng năm 2023 và đầu năm 2024 thị trường sách văn học thiếu nhi của TP.HCM trở nên sôi nổi. Nhiều đầu sách của nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi được nhiều nhà xuất bản, đặc biệt là NXB Kim Đồng đầu tư xuất bản với những bản in màu, minh họa đẹp, không chỉ thu hút người đọc nhỏ tuổi. Giải thưởng văn học năm 2023 của Hội Nhà văn TP.HCM có thể nói là một mùa giải bội thu.

Giải thưởng văn học chính thức trao bộ sách ba tập “Võ Văn Kiệt trí tuệ và sáng tạo” (NXB Chính trị Quốc gia) là truyện ký nhân vật về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhà văn Hoàng Lại Giang dành nhiều tâm sức, thời gian đầu tư tìm kiếm sử liệu, tư liệu và phương pháp thể hiện. Bộ truyện ký gần 1.000 trang đã phác họa con đường cách mạng từ cậu bé Phan Văn Hòa gieo neo “được lớn lên nhờ bầu sữa của nhiều bà mẹ trong xóm” đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nhà văn Hoàng Lại Giang giúp công chúng hiểu sâu sắc một thông điệp về sự tận hiến của một người cộng sản suốt đời vì dân. Chính phẩm chất vì dân mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn được gọi trìu mến là “ông Sáu Dân” . Giá trị văn chương mà “Võ Văn Kiệt trí tuệ và sáng tạo” đem đến cho độc giả là thủ pháp làm đầy thêm những góc khuất lịch sử bằng chi tiết huyền sử, để nhận diện chân dung một nhân vật có sự ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của TP.HCM nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Cũng trong hai năm qua, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đã tiên phong xây dựng tủ sách doanh nhân và văn hóa đọc trong doanh nghiệp, Tạp chí cũng liên tục bền bỉ suốt hơn mười năm qua tôn vinh di sản tinh thần vô giá của cụ Lương Văn Can. Đó là triết lý kinh doanh, tư tưởng kinh doanh của nhà nho, nhà ái quốc và là một danh nhân Lương Văn Can. Vận dụng vào thực tiễn, có ích như cẩm nang về đạo đức kinh doanh, về lý tưởng phụng sự xã hội của Lương Văn Can có thể giúp các thế hệ ngày nay học làm người, học kinh doanh góp phần làm cho dân giàu nước mạnh.

Ngoài Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can ngày một lan tỏa giá trị thực tiễn và giá trị nhân văn, Tủ sách Doanh nhân do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn khởi xướng cũng đã đóng góp không nhỏ cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ có chí hướng kinh doanh. Nhiều đầu sách của doanh nhân Việt đã cho người đọc phần nào nhận diện được chân dung của doanh nhân Việt Nam đang nỗi lực đang cống hiến cho sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước.

Các doanh nhân Việt Nam, nhất là doanh nhân TP.HCM đã viết và xuất bản một số quyển sách, hầu hết là về trải nghiệm sống, trải nghiệm kinh doanh, trải nghiệm thương trường trong và ngoài nước… là những quyển sách được viết từ người thật việc thật có nội dung thiết thực đối với nhiều người, nhằm học hỏi hay rút tỉa cho mình những bài học quý giá cho hành trình sống, làm việc, kinh doanh của mình. Có nhiều đầu sách có số lượng phát hành khá lớn, đây là minh chứng cho sự đón nhận của người đọc, hữu ích cho người đọc.

Tuy nhiên, nếu quan sát sẽ thấy, sách doanh nhân thế giới được dịch, xuất bản và phát hành cho độc giả Việt được đón nhận nồng nhiệt, có quyển sách tái bản hàng chục lượt. Đó là sức hút của thương hiệu, là thỏi nam châm hút tất cả, không chỉ là giới kinh doanh. Còn sách của doanh nhân Việt Nam, đa phần từ những thương hiệu nhỏ, lẻ từ nền kinh tế còn nhỏ lẻ và cũng hết sức bấp bênh thăng trầm. Vì vậy, nếu so sách của doanh nhân thế giới vốn có thương hiệu vanh danh nhiều chục năm, thậm chí là hàng thế kỷ với sách do doanh nhân Việt viết từ thương hiệu nhỏ lẻ mới mươi năm thì còn rất khập khiễng.

Thật ra doanh nhân vẫn tự viết sách, tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian và khả năng viết lách trôi chảy. Vì vậy có sự đồng hành của các nhà văn trong việc viết sách cũng là một cách làm cần thiết. Tuy nhiên để “hợp tác” giữa doanh nhân và nhà văn không phải là việc dễ dàng, nếu không có sự kiên trì từ hai phía. Trước nhất là thời gian và độ tin cậy.

Thời gian để có đủ tư liệu, tài liệu, thậm chí là sử liệu và thời gian để nẩy nở độ tin cậy cần thiết. Đồng thời còn là tình cảm và cảm xúc. Cả hai phía, phải tìm được sự đồng điệu giữa tâm hồn của người có câu chuyện để kể và người biết lắng nghe và ghi lại câu chuyện kể bằng ngôn ngữ vừa của người kể chuyện vừa của người viết truyện. Quyển sách là chữ nghĩa. Mà chữ nghĩa sản phẩm vừa từ trí tuệ vừa từ trái tim. Thiếu những yếu tố này, quyển sách khó có được linh hồn của nó. Và thiếu linh hồn, quyển sách cũng sẽ trơ ra những con số, những thành quả và không thể đọng lại cảm xúc nơi người đọc.

(*) Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM

Nhà văn Trịnh Bích Ngân (*)