Văn hóa nghệ thuật

Mùa chữ nở hoa, đậm đà sắc Tết

Tống Phước Bảo 06/02/2024 20:00

Những ngày Tết nhà nhà có chữ, chữ chữ nở hoa, thư pháp cứ vậy mà theo Xuân tràn về phố.

tranh-su-nghiep-lon.jpg

Như một nét đẹp của Tết Việt, thư pháp cứ theo mùa Xuân “dập dìu nảy nở” trên miền nắng ấm phương Nam. Có thể nói Sài Gòn - TP.HCM là nơi mấy “phố ông đồ” đón Tết sớm và xôm tụ nhất nước, chẳng những nếp quen tặng chữ rộn ràng theo những góc phố đã định danh mà mấy năm gần đây còn lan ra hội chợ Xuân từng quận, huyện. Chùa chiền lẫn những buổi tiệc tất niên, tân niên cũng rộn ràng tặng chữ.

Giữa tháng Chạp, dạo quanh Sài Gòn đã thấy chữ chữ nở hoa, người người vui vẻ xin tặng.

Nếp quen ngày Tết

Thư pháp Việt khởi nguồn từ thư pháp Hán. Từ đầu những năm 1930, nhiều trí thức, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu đã dày công tạo ra thư pháp bằng chữ quốc ngữ để thể hiện được trọn vẹn tính dân tộc trong nếp quen ngày Tết. Theo PGS-TS. Võ Văn Nhơn - nguyên Phó trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), phần lớn văn nhân, học giả, nhà nghiên cứu đều cho rằng nhà thơ Đông Hồ (1906-1969) là người đầu tiên xây dựng cách viết thư pháp bằng chữ Việt theo bảng chữ cái Latinh. Rồi cứ vậy, tháng tháng năm năm luân chuyển bốn mùa tuần tự, cách viết thư pháp bằng quốc ngữ lưu truyền và được giữ gìn đến thời nay.

Rất nhiều người Việt biết bốn câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua”. Bốn câu thơ thuộc nằm lòng đi qua bao thế hệ, nhắc nhớ người Việt về một nép đẹp văn hóa dân tộc. Chính vì lẽ đó, viết thư pháp và lệ cho chữ không mai một giữa thời công nghệ số, giữa hiện đại hóa với nhiều hình thức giải trí hấp dẫn.

Tại TP.HCM, cao điểm từ 26 tháng Chạp đến tận trưa 30 Tết, người xin chữ nhiều đến mức ông đồ không có thời gian ăn trưa. Từ cho chữ ngẫu nhiên đến viết chữ theo ý gia chủ, rồi loại giấy, loại màu nào cứ rộn ràng một đoạn phố. Thư pháp phát triển không chỉ vẽ trên giấy mà trên gỗ, trên trái cây. Bấy nhiêu thôi để thấy ông đồ ngày nay đã biết sáng tạo để thư pháp bắt kịp xu thế thời đại. Chính điều này thư pháp càng gây ấn tượng với người trẻ.

tranh-dao-kinh-doanh.jpg

Có mặt tại Cung Văn hóa Lao động những ngày giáp Tết, có thế thấy các chiếu vẽ ở đây tuy không thật nhiều nhưng trang trí bắt mắt và cũng hiện diện cả tuần lễ đến chục ngày trước Tết. Thường nơi này đông vào chiều tối. Cả một đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai - mặt trước của Cung Văn hóa Lao động sáng đèn rực rỡ với đào mai khoe sắc bên những ông đồ - phần lớn là người trẻ có nét chữ “rồng bay phượng múa” cần mẫn cho chữ.

Lan tỏa bản sắc văn hóa

Nghệ nhân thư pháp Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ, mỗi người đến là tùy độ tuổi, công việc hay ngành nghề mà xin chữ. Doanh nhân thường xin chữ tài, lộc, cũng có khi là câu Mã đáo thành công, Thuận buồm xuôi gió… chủ yếu liên quan đến cầu mong một năm làm ăn phát đạt. Với những cô chú lớn tuổi thì thường xin chữ an, đức, phúc, cũng có khi là câu đối An khang thịnh vượng, Vạn sự như ý… Đặc biệt ngày càng có nhiều người trẻ đến phố ông đồ để xin chữ, thường là chữ duyên, hạnh, khoa, hiếu, thành, đạt để cầu mong tuổi trẻ thành công trong việc học hành, thi cử, yêu đương.

Năm 2024, theo can chi Giáp Thìn, nên một số ông đồ đã chọn thể “thư pháp long phụng” để cho chữ. Đây là thể đặc biệt của thư pháp Việt vì vẽ trên thanh gỗ, thanh tre và mỗi một chữ được vẽ thành hình rồng, hình phượng hoặc con vật sao cho vừa ra chữ vừa ra hình ảnh con vật bắt mắt.

Những năm gần đây, cũng có những ông đồ được doanh nhân mời về công ty để cho chữ trong ngày tất niên và tân niên, như một kiểu đón lộc năm mới. Ông đồ trẻ Duy Hiển chia sẻ, đó một tín hiệu vui bởi thư pháp ngày nay đã đến gần với công chúng và tạo ra được nét đẹp văn hóa lan rộng. Có năm ông đồ trẻ này chạy sô tặng chữ cho công ty chục ngày không nghỉ. Tiền công không phải là tiên quyết mà chính sự sống dậy và lan tỏa thư pháp với xã hội mới là điều khiến làm ông đồ vui nhất.

Một nét dễ thương nữa khiến thư pháp Việt gây được sự chú ý trong những năm gần đây chính là sự phát triển của mạng xã hội đã lan tỏa nét đẹp văn hóa này một cách nhanh chóng. Chỉ cần chiếc smartphone và bộ áo quần đẹp, cứ thế ra phố ông đồ xin chữ và tha hồ chụp hình, quay clip. Chính những bức hình hay clip ấy đã tiếp thêm sự hào hứng cho những ai chưa đến phố ông đồ để xin chữ.

Dập dìu và rộn ràng, tưng bừng và hào hứng, từng tốp người đến xin chữ làm cho không khí Tết Sài Gòn thêm náo nức.

Tống Phước Bảo