Net Zero

Khởi nghiệp quê nhà mang ra phố thị

Tuấn Trần (*) 06/02/2024 11:00

Về quê khởi nghiệp đang được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn nhưng cũng có rất nhiều bạn đang suy xét, tìm hiểu. Nhân dịp Tết đến Xuân về, tôi chia sẻ đôi dòng từ kinh nghiệm của mình.

tuan-tran.jpg

Khác với thời điểm 20 năm về trước, hiện nay, điều kiện hạ tầng, kinh tế, dịch vụ, cơ sở vật chất ở hầu hết các tỉnh thành đều đã tốt hơn rất nhiều. Địa phương nào cũng có các khu công nghiệp, khu dân cư hiện đại, với hầu hết các tiện ích, đặc biệt là sự hoàn thiện của hạ tầng giao thông và những kết nối trên không gian mạng đã giúp xóa bỏ đáng kể khoảng cách địa lý. Do đó, lựa chọn về lại quê nhà cũng có nhiều thuận lợi hơn trước, các bạn có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, mức thu nhập cũng tương đối tốt, trong khi mặt bằng chi phí có phần thấp hơn đáng kể so với đô thị lớn.

Khởi nghiệp tại quê nhà, các bạn có thể định hướng tham gia vào hệ sinh thái các khu, cụm công nghiệp, trở thành nhà cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ nào đó cho các xí nghiệp, nhà máy sản xuất. Tôi có biết một số bạn khởi nghiệp khá thành công ở các dự án như suất ăn công nghiệp, cung cấp vật liệu thô, dịch vụ tuyển dụng và cung ứng lao động, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa thiết bị... Tuy nhiên, theo tôi, để có thể tham gia vào chuỗi giá trị của một thị trường rộng mở hơn thì các sản phẩm nông nghiệp mang đặc trưng vùng miền lại là một cơ hội lớn và có hướng đi rộng mở trong tương lai.

Các bạn cũng biết, dù công nghiệp, công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ, nhưng về cơ bản nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, “tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục, như: rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, cà phê 4,24 tỷ usd tăng 4,6%, hạt điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%”, chưa kể tiêu thụ nội địa và dư địa tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam còn rất lớn.

Với sự đa dạng sản phẩm nông lâm ngư nghiệp, cùng với những đặc trưng rõ nét theo vùng miền, lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều cơ hội để các bạn về quê khởi nghiệp, thâm nhập ngành, tìm kiếm và khai thác thị trường ngách. Theo số liệu thống kê, đã có hơn 11 nghìn sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo đó, chất lượng sản phẩm, thiết kế bao bì, quản lý nguồn gốc, xuất xứ cũng được cải thiện đáng kể. Tuy vậy, bên cạnh những tăng trưởng và thành công đó, thì một tỷ lệ lớn vẫn còn nhỏ lẻ, kém ổn định, và tỷ lệ thất bại, bỏ cuộc là rất cao. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất mà tôi được biết đó chính là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Nếu ở quê, bạn hiểu được thổ nhưỡng, văn hóa, con người, cách lựa chọn nguyên liệu, chế biến, làm ra sản phẩm (đầu vào)... thì phố thị sẽ giúp bạn định hình thị hiếu, nhu cầu, cách thức lựa chọn bao bì, bày trí cửa hàng, xa hơn nữa là kỹ năng giao tiếp, chăm sóc khách hàng, xây dựng thương hiệu, hay những giải pháp công nghệ có thể áp dụng (đầu ra). Người xưa cũng lưu truyền “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, và để tìm cho mình một ngách nhỏ trong thị trường rộng lớn mà chật chội này, thì việc tìm đến phố thị không chỉ là việc nên làm, mà cần phải xác định đó là vấn đề sống còn của doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Tôi nhớ như in lời căn dạy của doanh nhân Ngô Văn Tụ - CEO Vinasoy “muốn làm gì thì đến nơi đó, ở thật lâu, nhìn thật kỹ và nghĩ thật sâu trước khi bắt đầu”. Ấy vậy mà, nhiều bạn cứ khởi nghiệp là lao đầu vào làm sản phẩm, chỉ biết về sản phẩm mà quên mất đầu ra, tức là khách hàng, là thị trường. Thị trường trong nước trước tiên là các siêu đô thị, tiếp theo là thị trường xuất khẩu.

Các bạn về quê khởi nghiệp, nhưng không đồng nghĩa các bạn sẽ bám víu vào những gì ở quê bạn có, mà các bạn cần mạnh dạn mang sản phẩm của mình đến “chợ”, ở nơi gọi là “chợ” của bạn đủ lâu để tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, thói quen mua hàng, các kết nối, kênh phân phối, sản phẩm cạnh tranh… điều đó sẽ giúp các bạn bán được hàng, mặt khác, chính sự sâu sát thị trường đó mới là người thầy vĩ đại nhất giúp bạn hiểu rõ nên hoàn thiện sản phẩm như thế nào.

Nhiều bạn trẻ vào TP.HCM được dăm ba hôm rồi lại về, như thể “cưỡi ngựa xem hoa” thì rất khó để có thể thu hoạch kết quả. Kinh nghiệm thành công của các thương hiệu lớn về nông đặc sản như: sữa đậu nành Vinasoy, thủy sản Minh Phú, cà phê Trung Nguyên, hồ tiêu Phúc Sinh, gạo Lộc Trời, yến sào Khánh Hòa... cho thấy sự liên kết có tính bổ trợ lẫn nhau giữa quê nhà và phố thị. Dù các thương hiệu này đều xuất phát điểm ở các tỉnh thành khác nhau như: Quảng Ngãi, Cà Mau, Đắk Lắk... nhưng tất thảy đều có trụ sở, văn phòng, chi nhánh, hệ thống phân phối khắp các đô thị lớn (thị trường tiêu thụ).

Cách mà các bạn khởi nghiệp đang áp dụng hiện nay là tận dụng các mối quan hệ sẵn có như người thân, gia đình, bạn bè, tham gia các hội chợ, triển lãm... Ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, đây là những lựa chọn thông minh, dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí... nhưng xa hơn một chút, nếu các bạn không đủ mạnh mẽ vượt qua để đối diện với những rủi ro, thất bại ở “vùng xám”, thì đây sẽ chính là chiếc bẫy làm dự án khởi nghiệp của bạn bị mắc kẹt trong vùng an toàn, do chính bạn tạo ra.

ea4736053212e94cb003.jpg

Tôi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM, sau 15 năm về quê hương lập nghiệp, khi nhận ra những giới hạn có nguy cơ mắc kẹt ấy, tôi đã quyết định quay lại vùng đất này. Trải qua 4 năm ròng làm việc, gắn bó, đi đi về về giữa Quảng Ngãi - TP.HCM, giờ đây, tôi đã có thể xây dựng được cho mình những kết nối, hướng đi thông thoáng và rộng mở hơn rất nhiều.

Nếu không trở lại TP.HCM, không áp dụng công thức “ở đó thật lâu, nhìn thật kỹ và nghĩ thật sâu” của doanh nhân Ngô Văn Tụ, có lẽ ngay cả những dòng chữ này của tôi cũng không thể hình thành. Thế nên, “khởi nghiệp quê nhà mang ra phố thị” chính là chiếc “chìa khoá” mà tôi đã dành nhiều năm tháng cất công đi tìm, nay nhân dịp Xuân về, tôi muốn chia sẻ đến các bạn.

(*) CEO Tuấn Minh Sport, Quảng Ngãi

Tuấn Trần (*)