Net Zero

Giải pháp cho công trình xanh

Mỹ Huyền 05/02/2024 - 21:27

Vài năm trước khi điện mặt trời áp mái bùng nổ ở Việt Nam, công nghệ ắc quy dòng chảy được coi là mảnh ghép còn thiếu, nhiều công trình năng lượng điện tái tạo thiếu hệ thống lưu trữ, dẫn đến nguồn điện kém ổn định, gây rủi ro khi nối lên lưới.

Vì thế, Trịnh Việt Dũng bắt đầu nghiên cứu về hệ thống tích trữ năng lượng cùng với hai nữ tiến sĩ Lê Thị Thu Hằng và Nguyễn Thị Thu Huyền.

luu-tru-20230712220906862_thumnail.jpg

Hệ thống tích trữ năng lượng của nhóm nhà khoa học này hoạt động theo nguyên lý ắc quy dòng chảy, năng lượng được lưu trữ bởi dung dịch chứa trong hai bể chứa riêng biệt. Lượng dung dịch càng lớn thì khả năng lưu trữ năng lượng của ắc quy dòng chảy càng cao. Khi hoạt động, dung dịch từ hai khoang chứa riêng biệt được bơm vào khối trao đổi, xảy ra phản ứng oxy hóa khử, giúp ắc quy lưu trữ hoặc tạo điện năng. Trên thế giới đã công nhận công nghệ ắc quy dòng chảy là một giải pháp tích trữ năng lượng xanh sạch và an toàn.

Giám đốc Công nghệ Cenergy - Trịnh Việt Dũng kể về ngày đầu khởi nghiệp. “Thời điểm đó công nghệ này khá mới mẻ ở Việt Nam đến nỗi không có nguồn đầu tư nào sẵn lòng rót vốn. Nhóm nghiên cứu nghĩ cứ nghiên cứu và thiết kế trước rồi chờ xu hướng năng lượng tái tạo phổ biến mới đưa vào sản xuất. Vậy là cả nhóm tự bỏ tiền tiếp tục nghiên cứu, đưa giải pháp vào ứng dụng trong sản xuất trong hai năm”.

Cenergy phân tích chuỗi cung ứng để phát triển sản phẩm có thành phần xanh ở Việt Nam. Công ty nhắm tới việc gia công và sản xuất tại Việt Nam nên đã thiết kế hệ thống ắc quy dòng chảy và thiết kế nhà máy sản xuất. Với một Startup, việc nghiên cứu công nghệ đòi hỏi nhiều chất xám và công sức, việc đưa sản phẩm vào thị trường cũng phải rất nỗ lực.

Đó cũng là lúc dự án của nhóm nhà khoa học này được định giá 5 tỷ đồng và nhà đầu tư bắt đầu rót vốn sau nhiều cuộc thương thảo. Đội ngũ sáng lập đã đã thành lập Cenergy vào năm 2021 tiếp theo đó. Nhiều nhà đầu tư bị thu hút bởi tiềm năng của dự án ắc quy dòng chảy nên đã tham gia vào Cenergy, trở thành những nhà tư vấn chiến lược để thúc đẩy Cenergy xúc tiến thương mại ra ngoài nước.

Thị trường nở rộ là cơ hội lớn cho hệ thống tích trữ năng lượng dựa trên công nghệ ắc quy dòng chảy tại Việt Nam. Tuy đã đi tắt đón đầu và nắm bắt được xu hướng ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện theo chương trình phát triển nguồn điện đề ra trong Quy hoạch điện VIII tiếp theo, Công ty vẫn gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

“Cạnh tranh về giá với các nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực này là không dễ. Dù một Startup được đầu tư rất nhiều vẫn gặp phải khó khăn này. Tuy nhiên, đa số các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu nhắm vào chuỗi cung ứng sản phẩm lưu trữ điện lithium. Hệ thống ắc quy dòng chảy sẽ có lợi thế hơn trong những khu vực gần dân cư vì tính an toàn”, Trịnh Việt Dũng chia sẻ.

Công trình năng lượng tái tạo có chi phí đầu tư ban đầu thuộc loại cao vì phải phát triển thêm hệ thống tích trữ điện. Chênh lệch giá bán điện cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm trễ đầu tư vào công nghệ mới là ắc quy dòng chảy. Khác biệt này đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khi nhà cung cấp hệ thống tích trữ đến từ nước ngoài có giá rẻ.

Trong khi đó, ở nhiều nước phát triển, tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và tính bền vững của hệ thống tích trữ được đặt trước tiêu chí giá. Ở các thị trường phát triển, Cenergy không gặp phải cạnh tranh từ những nhà phát triển có cùng sản phẩm nhưng giá rẻ hơn từ Trung Quốc. Hệ thống lưu trữ điện giúp người bán điện với giá tốt hơn, vì điện được lưu trữ được xả trong giờ cao điểm đã giúp biên độ chênh lệch giá đầu vào và ra khác biệt. Nhiều dự án hoàn vốn trong thời gian rất ngắn nên khách hàng quan tâm về tính bền vững khi tích trữ điện nhiều hơn.

Trước mắt, Cenergy nhắm vào thị trường Đông Nam Á và hợp tác với startup từ Anh và Úc để gia công một số phụ phẩm trong hệ thống ắc quy dòng chảy để xuất khẩu. Các thị trường này phù hợp với Cenergy vì hệ thống do Công ty phát triển thích hợp với các công trình có cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng lớn.

“Đối với việc cạnh tranh từ Trung Quốc, chắc chắn giá cả sẽ là yếu tố đầu tiên. Vì vậy, chúng tôi tự chủ phát triển nguyên liệu và hệ thống điện dịch từ trong nước để giữ giá thành hấp dẫn. Nhờ vậy mà chúng tôi khá tự tin trước các đối thủ Trung Quốc trên thị trường quốc tế”, Trịnh Viết Dũng cho biết.

Mỹ Huyền