Bản lĩnh

“Giáo sư Nông nghiệp”

Quân Nguyễn 05/02/2024 - 18:14

Nhắc đến những người có công và tâm huyết với Nông nghiệp Việt Nam, không thể thiếu tên GS-TS. Võ Tòng Xuân nhiều người gọi ông là “GS nông nghiệp”. Mới đây, GS cũng là nhà khoa học người Việt đầu tiên được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2023 vì những đóng góp quan trọng trong phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu, làm rạng rỡ cho dân tộc Việt.

Giải quyết vấn đề an ninh lương thực

Điện thoại cho GS-TS. Võ Tòng Xuân, chưa kịp hỏi về Giải thưởng VinFuture 2023 ông vừa được vinh danh, GS đã nói ngay “Giải thưởng này là một vinh dự, không chỉ cho cá nhân ông khi được sự công nhận của Hội đồng giải thưởng các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới bình chọn mà còn cho cả tập thể sinh viên nông nghiệp của tôi từ khi mới giải phóng và cũng là niềm vui cho rất nhiều bà con nông dân Việt Nam”.

Khởi nguồn cho cho việc sáng kiến ra giống lúa năng suất cao và chống được rầy nâu của GS-TS. Võ Tòng Xuân bắt đầu từ nạn thiếu gạo ăn vào những năm 1968 và khi miền Nam vừa giải phóng, tình trạng thiếu gạo càng trầm trọng hơn, do đất nước trải phải qua chiến tranh dài đằng đẵng. Lúc đó, Trường Đại học Cần Thơ được giao nhiệm vụ phải lo lương thực, bởi theo kinh nghiệm của thế giới, đói và thiếu lương thực là “giặc họa” đến sau chiến tranh.

85723b6ebece15904cdf.jpg

Ngược dòng vào thời điểm sau giải phóng khi nạn rầy nâu bùng phát, đầu tiên là ở An Giang, sau đó đến Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long... GS kể: “Khi đó vừa thiếu lương thực lại còn nạn rầy nâu, lúa của bà con nông dân bị rầy đốt hết. Tôi và GS. Nguyễn Văn Huỳnh đến tận nơi tìm hiểu bắt con rầy đem về nghiên cứu.

Tôi đánh dây thép qua bệnh viên quốc tế bên Philippines hỏi các đồng nghiệp về tình trạng rầy nâu tại Việt Nam. Hai tuần sau, tôi nhận được 4 bao thư gửi qua đường bưu điện từ TS. Gurdev Singh Khush, người được mệnh danh "phù thủy cây lúa". Từ mỗi bao thư chứa 5 gram hạt giống gồm IR32, 24,36 và 38, tôi nuôi 4 giống lúa mới kháng rầy và chọn được IR36. Đó là các giống mới kháng được rầy, rầy không bám được vào cây lúa trong khi ở giống cũ, rầy bám vào hút chất nhựa khiến cho cây lúa chết khô sau 3 ngày. Cho nên, tôi nhân giống và được 200 cây. Sau vụ đầu tiên thì vụ thứ hai thu được 2,5 tấn lúa.

Sau các bước chuẩn bị nương mạ, đất ruộng để cấy, tôi hướng dẫn nông dân cách cấy một tép một bụi (thường nông dân cấy xuống 5 tép một bụi), còn bây giờ tôi cho cấy một tép một bụi thôi. Nông dân cấy được 2 vụ lúa, tức là hơn 7 tháng, như vậy chặn đứng được nạn rầy nâu. Bà con nông dân rất mừng, chính quyền các tỉnh cũng coi đó là sáng kiến. Thế là từ đó, giống IR36 được lan truyền rất nhiều nơi, triển khai khắp miền Nam, giải quyết được vấn đề an ninh lương thực giai đoạn đó”.

Gạo Việt đại thắng trên trường quốc tế

Năm 1989, khi Nhà nước kêu gọi phải xuất khẩu gạo thì tháng 11/1989 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo, sản lượng xuất đi lúc đó 1,7 tấn gạo. Từ đó, xuất khẩu gạo tăng dần lên.

Thời điểm đó, gạo xuất khẩu của mình thua bên Thái Lan vì chất lượng gạo Thái Lan đồng đều hơn nên giá gạo mình rẻ hơn Thái Lan. Vì vậy, nhóm sinh viên về lai tạo giống của tôi, trong đó có KS. Hồ Quang Cua, quyết tâm phải thắng được Thái Lan. Chúng tôi phân tích, Thái Lan bán gạo ngon giá 700-800 USD/tấn là loại gạo lúa mùa một năm trồng một lần, nhưng diện tích trồng tới 10 triệu ha, cho nên họ có nhiều gạo. Còn mình diện tích chỉ có 3,5 triệu ha, vậy mình phải lai tạo, chọn giống ngắn ngày mà phải thơm, năng suất cao. Và không chỉ Trường Đại học Cần thơ nghiên cứu mà phải lan ra các Viện nghiên cứu lúa.

Theo hướng đó, đến 2015, kĩ sư Hồ Quang Cua phát minh được loại gạo ngắn ngày thơm ngon. Năm 2019, giống gạo ST24 và ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới, ngang hàng với Thái Lan. Giống gạo này cũng vừa được khẳng định lần nữa tại quốc tế là giống ngon nhất thế giới 2023. Đây là niềm tự hào vượt qua Thái Lan, được quốc tế công nhận. Hiện tại, Việt Nam độc quyền loại gạo thơm, ngắn ngày, năng suất cao mà Ấn Độ và Thái Lan chưa làm được. Một niềm tự hào nữa là Việt Nam đã quy hoạch để trồng lúa ngắn ngày.

Nông nghiệp bền vững

Hiện nay, việc trồng lúa tuy đạt được nhiều thắng lợi nhưng phát thải khí nhà kính quá nhiều, do nông dân làm mà không theo kỹ thuật được hướng dẫn. Cho nên họ bón phân rất nhiều, bón sai cách, bón phớt trên mặt đất khiến cho phân đạm bốc hơi lên thành khí NO2 hoặc là N2O, gây biến đổi khí hậu mạnh gấp hơn 300 lần khí CO2.

Vấn đề nữa là nông dân làm ăn cá thể, manh mún trên diện tích nhỏ, mạnh ai nấy làm, sau đó thương lái đi thu gom lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là trở ngại để có năng suất cao mà giá thành hạ. Cho nên chương trình 1 triệu ha lúa mà Chính phủ đang phát động chính là dịp để chúng ta đưa nông dân vào vùng sản xuất lớn. Tức nông dân thay vì làm manh mún trên từng mảnh ruộng nhỏ thì giờ phải liên kết với nhau thành hợp tác xã nông nghiệp.

Tuy nhiên, liên kết như vậy đòi hỏi phải có đầu ra, thành ra hướng đi xuất khẩu gạo là phải đi sang các nước lấy đơn đặt hàng trước, có thể là qua xứ Trung Quốc, qua bên Philippines, Indonesia hoặc là qua bên Trung Đông hay Châu Phi. GS-TS. Võ Tòng Xuân chia sẻ kinh nghiệm, đầu tiên cần phải nói cho khách hàng yên tâm về kĩ thuật trồng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Do ảnh hưởng ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu, nhiều nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn như Ấn Độ vậy. Nếu khách hàng chịu ký hợp đồng để có sự liên kết lâu dài thì mình sẵn lòng cung cấp cho họ. Khi đó, doanh nghiệp mới trở về bàn với địa phương là cần phải có diện tích lớn như thế nào để tổ chức sản xuất, đảm bảo lúa chất lượng cao mà không chứa nhiều hóa chất. Đồng thời hướng dẫn bón phân như thế nào để không có phát thải khí nhà kính nhiều. Đây là cách mà chúng ta có thể thực hiện được.

Kết thúc buổi trò chuyện, GS nhấn mạnh: “Nông dân giàu thì đất nước mới giàu và làm theo sự hướng dẫn cho đồng nhất thì giá thành sản xuất sẽ thấp lại. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cần bỏ tập quán sản xuất không dùng nguyên liệu, bởi chỉ thu mua qua thương lái thì đất nước sẽ không khá lên được. Doanh nghiệp phải đi với hợp tác xã, dùng hợp tác xã thành chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có nguyên liệu sản xuất. Đồng thời doanh nghiệp cũng tự hào trên bao bì của mình có nguồn gốc xuất xứ, chứ nếu thương lái thu gom lại thì mình đâu biết nguồn gốc, đâu thể nào tiêu thụ nhiều được.

Quân Nguyễn