Quốc tế

IMF nhận định kinh tế Trung Quốc đang vào giai đoạn giảm tốc

PV 03/02/2024 16:49

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm 2/2 cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phù hợp với mục tiêu khoảng 5% vào năm 2023, nhưng sẽ mất đà vào năm 2024 và đi xuống trong các năm tiếp theo, có thể giảm tới mức thấp nhất là 3,4% vào năm 2028.

Theo dự báo của IMF, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế của nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ giảm xuống còn 4,6% vào năm 2024, so với ước tính 5,4% năm 2023.

eastasiaforum.org-wp-content-uploads-2023-10-_2023-09-28t010155z_1482952485_rc26g3aq08d8_rtrmadp_3_china-economy-tourism-scaled.jpg
Kinh tế Trung Quốc được dự đoán đang giảm tốc - Ảnh: East Asia Forum

IMF chia sẻ sau cuộc tham vấn thường niên với các quan chức Trung Quốc rằng, sự sụt giảm thị trường bất động sản và nhu cầu xuất khẩu yếu, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm nay. Về trung hạn, nước này phải đối mặt với những trở ngại như năng suất lao động thấp và dân số già.

Bà Sonali Jain-Chandra, trưởng phái đoàn IMF tại Trung Quốc cho biết, các biện pháp giúp đỡ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc theo hướng bền vững hơn và giảm rủi ro nợ của chính quyền địa phương, là trọng tâm các cuộc tham vấn gần đây. Điều này là cần thiết để thúc đẩy hoạt động ngắn hạn, khôi phục niềm tin và giảm rủi ro.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi năm 2023, khi chi tiêu của người dân thúc đẩy quá trình mở cửa trở lại sau COVID-19, cùng nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Tuy nhiên, khủng hoảng lĩnh vực bất động sản và bất ổn tài chính khiến chính quyền địa phương phải đối mặt với mức nợ cao, vẫn là thách thức đối với nền kinh tế sau nhiều thập kỷ tăng trưởng vượt bậc.

IMF lưu ý triển vọng của Trung Quốc không chắc chắn, còn do sự mất cân bằng lớn như đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng và nhà ở. Căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu, cũng góp phần gây rủi ro cho kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo nói rằng, hành động quyết đoán từ chính quyền trung ương, như tái cơ cấu nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản, có thể thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự phục hồi đầu tư tư nhân.

Đại diện của Trung Quốc tại IMF, ông Zhang Zhengxin, không đồng tình với một số quan điểm trong báo cáo.

Ông nói: “Sự phức tạp, nghiêm trọng và không chắc chắn của môi trường bên ngoài đang gia tăng. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ nhờ nhiều điều kiện thuận lợi. Nhìn chung, so với IMF, chúng tôi có quan điểm tích cực hơn về kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024, cũng như về trung hạn.”

PV